Lê Xuân Hy
Những đau khổ của cuộc đời
Một
đêm kia, tôi làm trong phòng cấp cứu của nhà thương. Quãng 2 gìơ sáng, xe
cứu thương đưa một em gái 19 tuổi vào. Khi cha mẹ em tới thì em đã tắt
thở. Cha mẹ em lớn tiếng kêu gào em thức dậy, rồi hứa sẽ mang em về Việt
Nam, không ở lại trên đất Mỹ nữa. Gia đình qua đây chỉ vì em, và bố mẹ chỉ
có em, chỉ sống vì em. Nay em chết như vậy, cuộc sống của bố mẹ không còn
ý nghĩa gì nữa.
Đối
với hai ông bà, “Mặt trời đã ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng,”
như đã viết trong Phúc Âm hôm nay.
Mỗi người
chúng ta đều sẽ có những lúc khó khăn như vậy, như Chúa đã nói, “thế hệ
này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.” Có khi vì tai nạn như
em gái kia. Có khi vì hoàn cảnh xã hội hay chiến tranh như trong bài đọc
thứ nhất. Sách tiên tri Daniel, chương 11, kể chuyện các vua chúa mạnh mẽ
nhưng lại tồi bại, đánh nhau để tranh dành danh lợi, gây ra bao cảnh chết
chóc lầm than cho người dân.
Có
khi chúng ta đau khổ vì bất công, hay vì bị người khác hại. Có khi vì
những ham muốn không tốt của chính mình, hại cả mình lẫn người. Có khi vì
thiên nhiên, như bão lụt. Và ai cũng phải đi qua sinh lão bệnh tử.
Cả
đời cố gắng vất vả, mà tới cuối cùng đau khổ như ông bà đã mất cô con gái,
thì cuộc đời quả là đau khổ, tăm tối. Nhiều triết gia hiện sinh đã hỏi là
có nên sống hay tự tử cho rồi. Tuần này là Chúa Nhật áp cuối của năm phụng
vụ, Giáo Hội giúp ta nghĩ tới ý nghĩa tối hậu của cuộc đời, mà mỗi người
chúng ta đều phải luôn sẵn sang để đối phó, vì “ngày hay giờ đó thì không
ai biết được.”
Không tránh né, Chúa nói rõ, “Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn
chiếu sáng.” Đây là bài giảng cuối cùng của Chúa trước khi chính Ngài chịu
thương khó và chịu chết.
Chúa cứu chúng ta
Ai
không thấy cái đau khổ của cuộc đời thì chắc là khó mà cứu được người đó.
Ai
thấy đau khổ mà tự cố vươn lên, cũng khó làm gì được, vì ai tự vượt nổi sự
chết?
Ai
thấy khổ mà mất hy vọng thì càng khổ thêm.
Ai
thấy khổ, nhận ra mình không tự cứu được chính mình, và đến với Chúa, thì
Ngài sẽ cứu, như Chúa đã nói, “…khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy
biết là Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi.”
Có
phải tới lúc đó Chúa mới cứu chúng ta chăng? Không phải vậy, Chúa đã bắt
đầu tuyển chọn và cứu chúng ta từ bây giờ. Tới ngày phán xét, Chúa chỉ thu
thập những kẻ Chúa đã chọn, như trong câu 27, “Lúc đó, Người sẽ sai các
thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn
phương về.”
Làm
sao chúng ta được chọn? Chúa đã nói rõ trong suốt cả Phúc Âm, đó là tình
thương. Không phải chỉ thương mình Chúa, mà thương cả cộng đoàn. Có thánh
giá và có đau khổ ngay chính trong tình thương. Nhưng nếu chúng ta nhờ ơn
Chúa để kiên trì trong tình thương, thì chúng ta chọn Chúa và là những kẻ
Chúa chọn. Chúng ta sẽ chiến thắng và hạnh phúc vĩnh cửu.
Chúng ta được gì trong chiến thắng này? Chúng ta được sản nghiệp to lớn
hơn bất cứ cái gì khác, vì “Chúa là gia nghiệp đời con,” như trong thánh
vịnh 16 mà chúng ta hát trong Chúa Nhật này.
Chiến thắng và hạnh phúc này sẽ toàn hảo trong ngày sau hết, nhưng ngay
trong những giây phút của mỗi ngày hôm nay, khi chúng ta yêu thương, dù là
trong nghịch cảnh, thì chúng ta đã bắt đầu kết hợp với Chúa rồi. Thật ra,
tình yêu trong nghịch cảnh, trong hy sinh, mới rõ là tình yêu chân thật,
không phải vì thoả mãn cá nhân mà vì người khác, vì Chúa. Chính Chúa là
gương mẫu của tình yêu thập tự này.
Xin
Chúa cho mỗi người chúng ta một tâm hồn bình an và yêu thương anh chị em
chung quanh, cho dù có nhiều lúc khó thương. Qua tình thương bằng ý chí và
hành động này, chúng con được làm dân Chúa, sống trong hạnh phúc bất toàn
của tình thương bây giờ, và tin tưởng vào sự cứu rỗi của ngày sau hết.
• • •