Ðường Emmaus


Annunciation
Ao ước ngây thơ
Bài học cầu nguyện qua kinh nghiệm của Môisen
Cầu Nguyện
Câu chuyện xứ Chùa Tháp
Chết
Chúa nhìn tận đáy lòng
Công bằng xã hội
Cura Personalis: Món qùa Giáng Sinh tuyệt diệu nhất
Ðau khổ, niềm vui vinh quang
Ðến với đời bằng trái tim rộng mở
Ðôi điều suy nghĩ
Giao Hòa
Giêsu - chính lộ ngàn đời
Giọt nắng
Gương phục vụ của Môisen
Hai đời sống riêng biệt?
Hành Hương
Linh Thao, một lần gặp gỡ
Lời Kinh từ cuộc sống
Màu Trăng Úa
Mẹ hiền: biển tình thương
Mùa Thu như đã phiêu du trở về
Như một sự tình cờ
Nước mắt
Phép rửa bằng nước mắt
Quay về
Sống Trong Tình Chúa
Sống với giây phút thánh
Sợ hãi Thiên Chúa
Tâm tình gặp Chúa
Tấm áo lễ với những đường may dang dở
Tha nhân: con đường dẫn tới Chúa
Thập Giá của đời thường
Thiên Nhiên
Tôi đã gặp
Tuổi Già và sự chết
Wings of a Beautiful Dream


 


 

 
Trang chính Ðường Emmaus

 
   
  Nước mắt
 
   
 



Nguyễn Tầm Thường
 

   

Nói về nước mắt cũng khó như nói về tình yêu
Nói về nước mắt cũng khó như nói về đau khổ

     Tình yêu và đau khổ là những ngôn ngữ phải hiểu bằng con tim hơn bằng lời. Và nước mắt cũng thế.
     Làm sao có thể nói được nỗi khổ của người vợ trẻ nghe tin chồng tử trận từ miền xa. Làm
sao có thể nói được nỗi đau của cuộc tình phản bội. Làm thế nào để diễn tả được nỗi đắng của người con gái gặp trầm luân trên biển cả. Ðó là nước mắt và đau khổ. Không có ngôn ngữ nào nói về dòng nước mắt cho đủ
     Nước mắt của đau khổ tự nó là ngôn ngữ. Một thứ ngôn ngữ không có văn phạm. Vì nước mắt là ngôn ngữ không có văn phạm nên ai cũng có thể đọc được. Người giàu khóc. kẻ nghèo cũng thế. Người trí thức, kẻ quê mùa, ai cũng có lúc khóc. Nước mắt và đau khổ là ngôn ngữ chung. Người từ phương đông cũng có thể gặp kẻ từ phương tây trong ngôn ngữ ấy. Mình có nước mắt và thấy người khác có nước mắt.
     Nước mắt là ngôn ngữ chung. Nhưng "đọc" được không có nghiã là "hiểu" được. Từ "đọc" được đến "hiểu" được vẫn còn là chặng đường dài. Dòng nước mắt này không có văn phạm để đọc, nhưng lại có văn phạm để hiểu. Văn phạm để hiểu những dòng nước mắt của đau khổ là con tim. Nhìn một người khóc, tôi biết đó là nước mắt. Tôi đã "đọc" được. Nhưng tôi có hiểu dòng nước mắt đó không lại là một chuyện khác. Ðã bao lần tôi thấy người khóc, nhưng tôi vẫn bình thản. Ðã bao lần tôi thấy nước mắt chẩy, nhưng chẳng có nghiã gì đối với tôi. Cũng có những lần tôi không muốn nhìn nước mắt chẩy. Nước mắt đau khổ là ngôn ngữ chẳng cần học cũng thấy, nhưng chẳng bao giờ hiểu nếu không học. Ðể hiểu dòng nước mắt đó phải có con tim của yêu thương và tâm hồn của chia sẻ. Nỗi đau đã nói bằng nước mắt, thì để hiểu, cũng cần trả lời bằng nước mắt. Nhưng người ta chẳng thể trả lời được bằng nước mắt nếu người ta không học yêu thương và chia sẻ. Ðây là bài học khó nhất trong đời. Nhận ra nước mắt ở chung quanh mình đã là điều khó. Học để chấp nhận dòng nước mắt ấy và để dòng nước mắt ấy hòa vào cuộc sống của mình lại càng khó hơn. "Nơi điều này mà ta biết được lòng mến: là Ðấng đã thí mạng mình vì ta. Và ta, ta cũng phải thí mạng mình vì anh em" (1 Jn 3:16). Khi Thiên Chúa yêu, Ngài yêu đến cùng. Bởi đó, bài học này không có ngày ra trường, nó giai giẳng cả đời. Bài học này không có chứng chỉ xác nhận, vì có ai chỉ yêu thương một lần là xong?
     Một người khóc với nỗi đau của tôi, tôi thấy bớt khổ hơn họ chỉ nói về nỗi đau của tôi. Họ chẳng nói gì, chỉ im lặng thôi, nhưng nhìn trong đôi mắt rưng lệ của họ, tôi có can đảm. Họ không cho tôi gì cả, nhưng tôi thấy mình lãnh nhận. Dòng nước mắt của tôi là yếu đuối thì dòng nước mắt của họ lại là sức mạnh cho tôi. Ðó là sự nhiệm mầu của nước mắt, và ở chỗ đó, nước mắt là ơn thánh. Trong thư gửi giáo hữu Rôma, thánh Phaolô viết: "Vui với ai mừng vui, khóc với ai đang khổ sầu" (Rom 12:15). Lời nói thì dễ, qùa tặng cũng có thể mua. Khóc thì thật khó, vì nước mắt là mức độ rung cảm sâu xa nhất của con tim, và cũng chính vì chỗ đó, nước mắt là hồng ân. Ðể hiểu được nước mắt của người khác và nói với họ bằng nước mắt của mình là một con đường thập giá. Ðức Kitô đã vác thập giá trên đường tử nạn Jerusalem. Người đứng xem thì nhiều, nhưng kẻ khóc thì chẳng có bao nhiêu.
     Nước mắt ở đâu?
     Trong trại tỵ nạn, tôi thấy những tâm hồn lạc lõng, không người thân, không tiền bạc. Biển chiều là những nỗi vắng khôn nguôi. Họ ngồi một mình, im lặng, nhìn về biển và khóc. Trong khi đó, có những người mang theo được vàng bạc, có thân nhân đầy đủ, họ bình thản bên quán café, mơ ngày đi sắm đồ ở Hong Kong, Bangkok. Họ chẳng thể hiểu được những dòng nước mắt kia. Vì muốn hiểu, họ phải mời dòng nước mắt đó một ly café, một tấm áo mặc. "Kẻ nào có của đời này và thấy anh em nó lâm phải túng thiếu, lại khóa lòng dạ lại đối với anh em nó thì làm sao lòng mến của Thiên Chúa lưu lại được trong nó? ( 1 Jn 3:17). Hai ngàn năm trước, họ đã chẳng hiểu mồ hôi và nước mắt Chúa Kitô trên đường tử nạn vì họ là kẻ đứng bên lề để xem.
    
Nước mắt ở đâu?
     Ở trong những tâm hồn tan nát. Có những vết thương như đau đớn tận cùng của một đời người. Những người thiếu nữ bị hãm hiếp trên biển cả. Họ khóc. Trong khi đó, có người đem những chuyện đó để mua vui. Họ chẳng thể hiểu được dòng nước mắt kia. Vì hai ngàn năm trước họ cũng đã lột trần Chúa Kitô và cười với nhau. "Khi chế diễu Ngài rồi, thì họ cởi chiếc nhung y đi, cho Ngài mặc lại áo của Ngài, rồi họ điệu Ngài đi mà đóng đinh trên thập giá" (Mt 27:31). Ðóng đinh kẻ khác cũng là thú vui của một số người.
    
Nước mắt ở đâu?
     Có những tâm hồn lầm lỡ, chỉ vì yếu đuối mà xót xa. Họ muốn quên đi cái qúa khứ bất hạnh ấy. Họ sợ nó như một con sâu dóm. Nhưng có kẻ biết lại đem nói cho người khác hay để tỏ ra sự hiểu biết của mình. Họ chẳng thể hiểu được nỗi cay đắng kia. Vì, hai ngàn năm trước họ đã muốn ném đá người đàn bà ngoại tình (Jn 8;5). Ðối với một số người, nói những khuyết điểm của kẻ khác là hình thức để nói mình trong sạch. Khi chiếc đèn dầu của mình không sáng thì vặn tắt bớt đèn của người bên cạnh, đó là cách tạo giá trị cho mình. Họ chỉ thua cuộc khi bị phơi trần trước mặt Ðức Kitô.
     Hai ngàn năm trước là thế, hôm nay cũng vậy, tôi thấy nhiều người khóc, nhưng tâm hồn tôi chẳng rung cảm. Làm sao có thể rung cảm, làm sao có thể hiểu đưọc khi tôi chỉ đứng xem  người vác thập giá chứ không vác thập giá.
     Trong tình yêu cũng có nước mắt. Mai-đệ-liên đã khóc: "Ðứng đàng sau phía chân Ngài, bà khóc nức nở" (Luca 7:38). Phêrô đã khóc vì chối Thầy: "Và Phêrô nhớ lại lời Ðức Kitô đã bảo: Trước khi gà gáy ngươi đã chối Ta ba lần. Và ra ngoài ông khóc lóc thảm thiết" (Mt 26:75) Phêrô không nói gì với Chúa khi Chúa nhìn, nhưng chỉ khóc. Mai-đệ-liên cũng vậy. Họ chẳng nói nhưng nước mắt đã nói tất cả. Ðó là những giọt nước mắt của xám hối. Những giọt nước mắt khi biết mình lỗi lầm bao giờ cũng có cứu rỗi.
     Evà đã lỗi phạm. Khi Chúa hỏi thì Evà đổ tội cho con rắn. Bà đã không khóc.
     Adong đã lỗi phạm. Khi Chúa hỏi thì Adong đổ tội cho Evà. Ông đã không khóc.
   Tội kế đến xảy ra trong gia đình đầu tiên của nhân loại là Cain giết em mình. Khi Chúa hỏi em mình đâu, Cain đã trả lời: "Tôi không biết! Tôi là người giữ nó à?" (Kn 4:9). Chàng đã không khóc.
     Ôi! Những dòng nước mắt đã hiếm hoi làm sao. Vì thuở ban đầu thiếu nước mắt ăn năn, nên bây giờ nước mắt gian truân ở khắp nơi. Vì thuở ban đầu thiếu tiếng khóc xám hối, nên bây giờ tiếng khóc trầm luân ở khắp chốn.
     Nước mắt đã làm động lòng Thiên Chúa. Nước mắt đã xóa nhòa qúa khứ.
Nước mắt mở cửa tương lai. Nước mắt làm hạnh phúc phục sinh.
     Có những dòng nước mắt hiếm hoi bao nhiêu, thì dường như, cũng có những dòng nước mắt dư thừa bấy nhiêu. Có người khóc vì mất một số của cải, nhưng lại chẳng khóc khi mất Chúa. Có người khóc vì bị ngăn cản một ước mơ không chính đáng, nhưng lại chẳng khóc khi bỏ lỡ một giấc mơ chính đáng đã đi qua mà không thực hiện.
     Lạy Chúa, để hiểu dòng nước mắt đau khổ, con phải học thứ văn phạm của ngôn ngữ đó là một trái tim yêu thương, một cõi lòng có Chúa ngự, một tâm hồn không đứng xem Chúa vác thập gía mà xuống đường vác thập giá.
     Lúc nào thì con cần phải khóc?
     Khóc là một ân huệ. Nhưng trái tim bằng gỗ không thể khóc. Những tâm hồn lạnh lùng cũng chẳng biết rung cảm. Xin hãy dạy con biết khóc như Phêrô, đừng chai đá như Cain. Nước mắt có thể tha thứ mọi lỗi lầm của con. Và, Nước Trời đã mở cửa cho con cả hai lối. Con có thể vào một cách anh hùng như các thánh tử đạo, con cũng có thể vào bằng tiếng khóc như Mai-đệ-liên


Nguyễn Tầm Thường

(trích ÐH tháng 7 1988)

 


 

LẠY CHÚA CON

Lạy Chúa con, trong đời con đã khóc,
Chỉ một mình con nức nở trong đêm
Tiếc nhớ cho những giây phút êm đềm
Hận thù đời sao chua cay đen bạc.

Lạy Chúa con, đã nhiều lần con khóc,
Khóc vì xa Bố Mẹ
với anh em,
Không gia đình, thiếu tình thương đùm bọc,
Cả thế gian như bịt tai im tiếng.

Lạy Chúa con, con đã khóc, Chúa ơi,
Nước mắt con như xăng tưới tràn rơi,
Khơi bừng ngọn lửa căm hờn oán ghét.

Con khóc nhiều, cay đắng đã bao nhiêu,
Trong tim con âm ỉ
lửa oán hờn.
Ðôi mắt con bây giờ như đã cạn,
Thấy đớn đau vẫn ráo hoảnh, Chúa ơi!

Lạy Chúa con, xin cho con được khóc,
Khóc thay cho bè bạn
với anh em,
Cho những người đang đói khổ lầm than,
Cho những người không tình thương che chở,
Cho những ai từ bỏ Chúa mỗi ngày.

Lạy Chúa con, xin cho con được khóc,
Khóc vì vui,
vì con có tình thương,
Của bạn bè
và những gì con có,
Vì có Chúa ở đó
lắng nghe con,
Mỗi khi con thấy buồn
và con khóc,
Dù cả thế gian im tiếng âm thầm.

Lạy Chúa con, xin dạy con biết khóc.
Nước mắt này sẽ không phải dầu xăng,
nhưng là nước dập tắt lửa oán hờn,
Là hai dòng lệ nói chữ ăn năn.
Cho con biết Chúa yêu con đi Chúa!

Lạy Chúa con, ở cùng con Chúa nhé,
Khi con buồn, Chúa hãy khóc cùng con

Hạt Cải

• • •

 

 
    Đồng Hành là ai? Tổ Chức | Tài Liệu | Lịch Trinh LT | Báo ÐH | Tập San ComigoNối Kết | Mục Lục | Photo Album