Chị A thành
thật nói: "Tôi biết rằng cầu nguyện là cần thiết, nhưng không hiểu tại sao
lại là việc tôi ít chịu làm nhất. Tôi vẫn đến với nhóm nhưng chỉ được một
thời gian ngắn, tôi lại thôi không cầu nguyện được nữa." Nghe chị nói tôi
thoáng thấy như trong lòng chị có một sự ngần ngại, một e dè nào đó.
Trong linh đạo
I-Nhã, chúng ta được giúp sống ý thức sự hiện diện
của Chúa trong mọi nơi mọi
lúc, tìm Chúa trong mọi sự. Chúng ta muốn sống mối liên hệ mật thiết với
Chúa. Vậy tại sao chúng ta thường có cùng tâm tình với chị A: cầu nguyện
là việc tôi ít chịu làm nhất ?
Tại sao sau
một thời gian cầu nguyện sốt sắng ta lại đi đến trường hợp phải cố gắng,
phải chiến đấu với chính mình để không nản lòng bỏ cuộc?
Chị A dần dần
mới kể rõ hơn: "Sau một thời gian cầu nguyện sốt sắng tôi thấy như mình
được đem đến một phương trời xa lạ, một lối sống khác và tôi không còn làm
chủ được cuộc đời của tôi nữa."
Lúc đó tôi
hiểu. Tôi nhớ trong một buổi đúc kết khóa Thao Luyện Nhẹ Nhàng, một anh
phát biểu rằng "Một thời gian sau khi cầu nguyện chung với nhóm tôi thấy
mình lúc nào cũng ý thức đến Chúa, điều gì cũng quy hướng về Chúa. Nếu
sống gần gũi, thân mật với Chúa trong cầu nguyện tôi sẽ mất đi chính bản
thân của mình. Cái gì cũng Chúa, lúc nào cũng Chúa."
Trong Cựu Ước
có nhiều đoạn chúng ta nghe kể về sự sợ hãi Thiên Chúa. Dân Do Thái nói
với Môi-Sen: "Ðừng để Thiên Chúa nói với chúng tôi kẻo chúng tôi chết
mất!" (Xh. 20:19). Có lần kia ông Uzzah bị phạt chết tại chỗ vì chạm vào
hòm bia Thiên Chúa (2 Sam. 6:7).
Ngày nay sự sợ
hãi Thiên Chúa mang một hình thức khác: sợ bị biến đổi nếu đến gần Ngài.
Tôi không dám "let go", không dám bỏ hết mọi sự, không dám bỏ mất sự tự do
cá nhân, không dám bỏ mất quyền tự định đoạt chính cuộc sống của mình, bỏ
mất những đam mê. Tôi còn "yêu" thế gian nhiều!
Và tôi sợ
Thiên Chúa.
• • •
Suy niệm :
Bạn có đang "sợ" Thiên Chúa cách này hay cách khác?
Bạn có
đang lập lại tương tự lời của dân Do Thái khi xưa: "Xin Chúa ở xa xa và
đừng nói gì cả kẻo tôi mất vui" ?
- Vũ Tiến
|