Antôn-Phaolô, SJ
Bạn thân mến!
Ai trong chúng ta lại chẳng mong muốn hạnh phúc? Ai lại chẳng ước ao cuộc
sống trường cửu? Chính vì những điều này mà trong lịch sử nhân loại biết
bao người đã bỏ công bỏ sức đi tìm linh dược để được trẻ mãi không già.
Từ các hành giả yogi Ấn độ, đến các đạo sĩ tu tiên Trung Hoa, ai ai cũng
đều ra sức tìm tòi để khám phá ra cái chià khoá đem lại trường sinh bất
tử. Nhưng có ai trong chúng ta mà lại chẳng già, chẳng chết. Sinh lão
bệnh tử, phải chăng là quy luật tự nhiên mà chẳng ai qua khỏi?
Cái ước ao được sống đời đời là khát vọng căn bản của cuộc sống nhân
sinh. Ngày hôm nay trong bài tin mừng, chúng ta lại một lần nữa được nghe
khát vọng này. “Thưa Thày nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời
đời làm gia nghiệp?” người thanh niên đặt câu hỏi với lòng khát khaọ chân
lý. (Mc 10:17)
Anh ta là một người tốt, có lẽ còn tốt hơn nhiều người trong chúng ta.
Các giới răn, anh đã giữ trọn từ nhỏ. Anh không làm hại ai, giữ đức công
bằng, tôn trọng sự thật, giữ lòng trong sạch, chung thủy, một lòng thờ mẹ
kính chạ (10:19-20). Nói tóm lại anh chẳng có điều gì đáng chê trách.
Anh giữ đạo với hết bổn phận của mình, nhưng sao anh vẫn khát khao tìm
kiếm chân lý. Hình như anh vẫn chưa kiếm được cho mình một con đường dẫn
đến hạnh phúc.
Chúa Giêsu thấy vấn đề của anh. Anh đang có một cuộc sống rất tốt, nhưng
anh chưa có lẽ sống. Theo tin mừng Mac-cô, và chỉ có trong tin mừng này
mới có chi tiết Chúa Giêsu “đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến”
(10:21). Chúa ao ước anh được kiện toàn hơn, hạnh phúc hơn. Ngài mời gọi
anh đi tìm “kho tàng trên trời” chứ không chỉ quanh quẩn với những nhu cầu
vật chất. Ngài muốn cho anh có một lẽ sống chứ không chỉ bằng lòng với
cuộc sống. Lời mời gọi từ bỏ và theo Thầy là một thách đố cho anh để nhận
ra đâu là những giá trị đang làm chủ cuộc sống của anh.
Lời mời gọi này đã làm anh thất vọng, buồn rầu bỏ đi. Anh buồn vì tưởng
là đến với vị minh sư để học được bí quyết trường sinh bất tử. Đâu ngờ,
Ngài lại cho anh một bài học về thái độ với của cải vật chất. Ngài bắt
anh phải bỏ đi tất cả ư..? Ôi khó thật.
Ước mơ thì rất đẹp, nhưng lại không thực hiện được. Anh có của cải thật
đấy. Nhưng hình như anh đã để của cải làm chủ đời sống của anh, và đã làm
cho anh mất tự do. Anh không thể xa chúng được. Có thể anh đã có tất cả,
nhưng chưa có hạnh phúc. Anh giầu tiền giầu bạc, nhưng có thể tâm hồn anh
nghèo nàn. Và cái thất bại của anh là chưa nhận ra được anh đang rất nghèo
nàn. Anh thối lui, nản chí vì cái lẽ sống mà anh tìm kiếm bấy lâu nay,
nằm sờ sờ trước mắt, nhưng anh lại không thấy được, không làm được.
“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào nước Thiên Chúa!”
(10:25) câu nói bất hủ này của Chúa Giêsu đã làm sửng sốt bao người.
Không phải giầu có là sự chúc phúc của Thiên Chúa sao? Không lẽ theo Chúa
thì phải nghèo mạt rệp, sống lang thang nay đây mai đó? Không! Lời Chúa
Giêsu là một lời cảnh báo cho chúng ta về cách sống của mình. Vấn đề
không phải là của cải nhưng là thái độ với những sở hữu vật chất cũng như
tinh thần. Của cải là tên đầy tớ dễ bảo, nhưng lại là ông chủ rất khắc
nghiệt. Nếu chúng ta để tâm hồn mình bị nô lệ bởi những gì mình sở hữu,
thì chúng ta mất tự do. Thay vì chúng ta làm chủ sở hữu của mình thì lại
làm nô lệ cho chúng.
Chúa ao ước cho chúng ta có được tự do để tìm hạnh phúc, chứ không bị luẩn
quẩn với của cải rồi gặp khổ đau. Sự khác biệt giữa một người giầu có và
một người nghèo nàn không phải đong đếm bằng của cải nhưng là sự tự do với
của cải. Nếu người đó keo kiệt bủn xỉn, tâm hồn hẹp hòi, suốt ngày phải
lo lắng tính toán, thì cho dù có bao nhiêu căn nhà, bao nhiêu chiếc xe,
bao nhiêu đất đai hay tiền trong ngân hàng, thì cũng chỉ là một người
nghèo nàn, một người luôn thiếu thốn. Còn ngược lại, một người có thể
không có nhiều của cải, nhưng trong lòng luôn tươi vui, hạnh phúc, quảng
đại rộng rãi với mọi người thì đó là một người giầu có.
Bạn thân mến!
Trong bài thuyết pháp căn bản của Phật giáo về Tứ Diệu Đế, Đức Thích Ca đã
chỉ ra nguồn gốc của đau khổ là tham sân si, là chạy theo những cái vô
thường, chóng qua, dễ thay đổi. Bám viú vào những sở hữu vật chất như
tiền bạc, sắc đẹp, sức khoẻ, và kể cả sở hữu tinh thần như danh vọng, tình
cảm, quyền lực, những cái nay còn mai mất, thường mang lại cho chúng ta
nhiều sầu khổ hơn là niềm vui. Trong cuộc sống của chúng ta, ai lại chẳng
phải lo cơm ăn aó mặc, tính toán cho tương lai. Chúa nào muốn chúng ta
nghèo khổ. Nhưng Chúa cảnh giác chúng ta về thái độ đối với của cải.
Ngài không muốn chúng ta chỉ lo xây dựng cuộc sống trên mặt đất mà quên
tìm kiếm kho tàng trên trời.
Ôi khó quá! Bạn sẽ phản đối. Nhưng chẳng có gì là không làm được đối với
Thiên Chúa. Khi chúng ta bắt đầu ý thức rằng mục tiêu của cuộc đời chúng
ta là được sống mãi trong hạnh phúc viên mãn với Thiên Chúa, khi chúng ta
biết mọi sự trong cuộc sống này là những món quà Chúa ban để làm cuộc sống
chúng ta tươi đẹp hơn, thì chúng ta cần phải biết sử dụng mọi sự trong tự
do. Đừng để thái độ dính bén, lệ thuộc vào những gì tạm bợ bóp nghẹt đời
sống tâm linh của chúng ta. Hay nói cách khác, nếu chúng ta bắt đầu nhận
ra đâu là giá trị vĩnh cửu, đâu là những cái chóng qua: được rồi mất, mất
rồi được, nếu giữ được lòng bình tâm, thì tâm thân được an lạc.
Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi bạn và tôi, chúng ta cùng nhìn lại cuộc sống
của mình. Điều gì đang làm chủ trái tim tôi? Cuộc sống của tôi đang bị
chi phối bởi những giá trị nào? Nói cách khác, tôi đang sống vì ai, tôi
sống vì cái gì? Nếu đó không phải là Chúa, nhưng là ai khác, hoặc cái gì
khác, đang điều khiển cuộc sống hiện tại của tôi, thì tôi hãy mau mau tìm
cách “đẩy nó đi” để rồi tâm hồn tôi có chỗ cho Chúa ngự trị. Và để rồi
tôi sẽ tìm gặp hạnh phúc đời đời.
Lạy Chúa, xin cho con
biết sắp xếp lại những giá trị của cuộc sống. Xin cho con biết trông cậy
vào Chúa là nguồn hạnh phúc thay vì cậy dựa vào những gì con có và đang
làm chủ. Xin cho con đi tìm Chúa là hạnh phúc trường cửu thay vì chỉ lo
xây dựng đời mình bằng những thứ chóng qua. Xin cho con biết giữ lòng
bình tâm với tất cả mọi sự trên cõi đời này, để rồi khi con gặp gian nan
thử thách, thất bại khổ đau, con sẽ không ngã lòng, vì con biết con có
Chúa. Amen