Con có dự hai lần
Thao Luyện Nhẹ Nhàng như một thành viên và sau đó dự hai lần như một điều
hợp viên, kinh nghiệm chẳng là bao so với các anh chị khác, con chỉ như
một đứa bé chập chững bước vào đời sống cầu nguyện, thấy hay thấy thích
thì giới thiệu cho người khác đi theo. Vì miệng còn hôi mùi sữa, chân còn
bước những bước chập chững trong đời sống tâm linh nên con chỉ dám chia xẻ
những cảm nghiệm mà Chúa trao ban cho con trong thời gian qua, coi như một
món quà nhận rồi trao đi, còn những kinh nghiệm non nớt của con chưa chắc
là đúng cho tất cả mọi trường hợp!
Đâu là cái hay của
phương pháp này nếu so với Linh Thao Cuối Tuần và Bảy Ngày? Con có đi
Linh Thao Cuối Tuần và Bảy Ngày trước khi tham dự Thao Luyện Nhẹ Nhàng.
Linh Thao Cuối Tuần như một “short vacation” bên Chúa, như một làn hơi
nóng chớp nhoáng sưởi ấm lại tình yêu giữa mình với Chúa, không có nhiều
giờ cầu nguyện trong khoá cuối tuần, nếu có chăng thì chỉ là những giờ cầu
nguyện chung trong nhóm. Nói chung Linh Thao Cuối Tuần quá ít, quá ngắn
và quá nhanh, người đi chưa kịp “thấm”, chưa kịp lắng đọng, chưa kịp ghi
chép thì đã đến giờ chia tay. Linh Thao Bảy Ngày thì ngược lại, là một
“long vacation” bên Chúa, có nhiều thì giờ để cầu nguyện nghỉ ngơi, khung
cảnh thanh tịnh ở trên núi làm cho người tham dự dễ dàng cầu nguyện hơn,
nói đúng ra họ cũng không biết làm gì nếu không cầu nguyện vì chẳng có gì
khác để làm: không sách vở, báo chí, không tin tức, không tivi, radio,
không internet, không phone, không nhạc, không bạn bè, không e-mail, không
nói chuyện với ai, ăn uống đã có người lo thì làm gì bi giờ nếu không còn
là cầu nguyện? Nói chuyện với ai bi giờ nếu không là nói chuyện với Thiên
Chúa? Ở trong khung cảnh này, con người dễ nâng tâm hồn lên với Đấng Tối
Cao, cảm thấy cuộc sống mình thanh thoát nhẹ nhàng vì cắt đứt liên lạc với
cuộc sống bon chen xô bồ ở dưới núi, giống như Phêrô trên núi Tabo xưa,
chỉ muốn xây lều ở luôn trên núi cao với Thầy chứ không muốn xuống núi
nữa.
Sau khi về lại
cuộc sống thường nhật, người đi tĩnh tâm Linh Thao Cuối Tuần và Bảy Ngày
giống như một cục than rực lửa, đỏ hồng, tràn đầy tình yêu và sức mạnh của
Thiên Chúa. Cục than đó có thể đốt cháy bất cứ ai đứng gần, họ sẵn sàng
và mạnh dạn nói về tình yêu, về ân sủng về những gì họ cảm nhận được trong
mấy ngày qua. Theo quy luật của cuộc sống và tự nhiên, than đó từ từ… từ
từ… theo thời gian năm tháng nguội dần… nguội dần… cho đến lần hâm nóng kế
tiếp, than nguội từ từ vì than không được đặt trong môi trường có nhiệt độ
cao như cái lò nung, than nguội từ từ vì than không được phà hơi sưởi ấm
thường xuyên trong đời thường. Còn Thao Luyện Nhẹ Nhàng thì trái lại,
không được nung với nhiệt độ cao để đỏ rực bùng cháy sáng, cục than đó chỉ
hồng lên, hồng hoài, và hồng mãi, than riu riu đỏ hồng vì than được hâm
nóng quanh năm suốt tháng, than hồng vì than được giữ ở môi trường có
nhiệt độ cao ít nhất là nửa tiếng mỗi ngày. Nếu cục than đỏ rực của cái
thưở ban đầu mới đi tĩnh tâm về đó được hâm đi hâm lại trong đời sống
thường nhật và được hâm kỹ hơn mỗi năm một lần thì quả là tuyệt hảo!
Với Thao Luyện Nhẹ
Nhàng, giờ cầu nguyện mỗi ngày nằm trong đời sống thường nhật, không phải
ở trên núi cao, không có giờ huấn đức, không có môi trường xung quanh hổ
trợ, không ai biết mình đang muốn làm gì. Người tham dự phải giành giật
từng giây, từng phút trong cái thời khóa biểu bận rộn của mình để xắp xếp
một giờ cầu nguyện cố định cho Chúa. Môi trường sống không đủ sức tác
động để giúp mình ngồi xuống cầu nguyện, không người khuyến khích, nâng
đỡ, xung quanh lại bao nhiêu cám dỗ khác hấp dẫn hơn giờ cầu nguyện như
khó mà dứt mình ra khỏi chăn ấm nệm êm vào buổi sáng tinh sương giá rét,
hoặc chương trình tivi buổi tối thật quyến rũ, chiếc giường nệm êm ái đang
mời gọi cái thân xác rã rượi sau tám tiếng mệt nhọc ở hãng, internet với
bao nhiêu tin tức nóng hổi, những cú phone với bạn bè, con cái mè nheo,
gia đình bận rộn với những chuyện lặt vặt cần phải làm cho xong… Khi đã
giằng co thu xếp bao nhiêu chuyện để bắt cái thân xác mệt mỏi này ngồi
xuống cầu nguyện thì tới cái đầu. Cái đầu tội nghiệp quay cuồng bận rộn,
lo lắng với bao nhiêu chuyện của cuộc sống, bi giờ đâu thể một hay hai
phút mà mình làm trống rỗng cái đầu để chỉ nghĩ tới Thiên Chúa và bài Kinh
Thánh, tệ hơn nữa, có khi cái đầu đã “bão hoà” để không thể nào nhét thêm
một chữ vô được. Như một ly nước sóng sánh quá mạnh, phải mất nhiều thời
gian mặt nước trong ly mới từ từ lắng dịu xuống. Thinh lặng bên ngoài và
thinh lặng bên trong là hai yếu tố khó tìm thấy trong đời sống thường.
Giờ cầu nguyện trong đời sống thường nhật cần nhiều thời gian lắng đọng
hơn giờ cầu nguyện ở trên núi trong khoá bảy và hai ngày và trong khi cầu
nguyện, có nhiều cái lo ra, quấy rầy tâm trí mình hơn. Cầu nguyện mỗi
ngày trong đời sống thường nhật, như một “xa xỉ phẩm” của cuộc sống mà
người giáo dân bình thường ít ai dám mơ tới, thật là khó biết bao! Khó
nhưng không có nghĩa là không làm được, khó nhưng mình không làm một mình
bằng chính sức mình, khó mà vẫn làm được thì mới thấy kết quả thật lý thú
biết chừng nào! Thiên Chúa vẫn ẩn nấp ở đâu đó để đợi chờ ta, chỉ cần một
cố gắng tí xíu của mình là Ngài đã đưa tay đỡ tay nâng, ban thêm cho mình
bao nhiêu sức mạnh đủ để thắng những khó khăn thường tình đó.
Thao Luyện Nhẹ
Nhàng đòi hỏi sự tự kỷ luật của chính mình và sau thời gian dài khép mình
trong kỷ luật đó, mình sẽ ngạc nhiên nhận ra rằng mình đang từ từ lớn lên
như cây non bắt đầu trổ bông. Nếu không biết tự kỷ luật chính mình, người
ta sẽ không theo nổi chương trình Thao Luyện Nhẹ Nhàng vì lúc nào mình
cũng có lý do chính đáng để biện hộ cho việc không cầu nguyện, mà một
trong những lý do chính là “BẬN RỘN”,
hoặc theo cho qua lần qua chuyện, tìm vài câu chuyện làm quà trong lúc
chia sẻ mỗi tuần, ráng lây lất cho hết khóa rồi thở phào nhẹ nhõm thì cũng
chẳng thấy kết quả chi, chỉ thấy trút được gánh nặng trách nhiệm nặng nề.
Bởi thế, không phải là không có lý do mà một số anh chị đổi tên cho chương
trình Thao Luyện Nhẹ Nhàng thành “Thao Luyện Nặng Nề”
Với con, giờ cầu
nguyện tốt nhất là buổi sáng sau nhiều lần dò dẫm làm thử vào các giờ
khác: sáng, trưa, chiều, tối, khuya. Cái khó là đấu tranh với chính mình
trong lúc ngái ngủ để đủ can đảm bước ra khỏi giường vào buổi sáng sớm,
qua được giây phút cam go đó rồi thì mọi sự trở nên dễ dàng: thể xác khoẻ
mạnh sau khi tắm xong, bao tử không no mà cũng chưa đói, đầu óc minh mẫn
tươi mát không vấn vương bụi trần, không gian thanh vắng, yên tịnh… những
yếu tố đó giúp rất nhiều cho giờ cầu nguyện mà không thể tìm được trong
những giờ cầu nguyện khác.
Với con, Thao
Luyện Nhẹ Nhàng là những bước chân chập chững trong đời sống cầu nguyện,
sau khi tham dự khoá Thao Luyện Nhẹ Nhàng đầu tiên, con giữ luôn thói quen
cầu nguyện mỗi ngày. Trước đó, con muốn tập làm quen cầu nguyện với Kinh
Thánh nhưng không biết bắt đầu từ đâu? Bắt đầu như thế nào? Lấy tài liệu
từ đâu? Cầu nguyện ra sao? Làm sao con có thể tự kỷ luật mình để trung
thành với giờ cầu nguyện mỗi ngày? Những khi gặp khó khăn trong giờ cầu
nguyện con biết chia sẻ với ai? Và ai sẽ là người nâng đỡ và đồng hành
với con trên con đường đi tìm Chúa qua giờ cầu nguyện mỗi ngày đó? Tất cả
những khúc mắc, ưu tư, khó khăn đó đã được giải tỏa qua khoá Thao Luyện
Nhẹ Nhàng đầu tiên. Thiên Chúa đã ban cho con quá nhiều an ủi thiêng
liêng (consolation) ngay trong khoá đầu, Ngài như một người tình bị hất
hủi bỏ rơi, thiếp đi vì mỏi mòn chờ đợi bây giờ mới được gặp gỡ nhau, tay
trong tay, mặt đối mặt, bây giờ tình mới đáp tình, Ngài bừng tỉnh hồ hởi
trao ban…. và trao ban một cách phóng khoáng cho dù người nhận không đủ
sức để nhận hết, cho dù bàn tay người nhận quá nhỏ, quá dơ để nhận lãnh.
Phần con, vui sướng và ngạc nhiên vì nhận lãnh quá nhiều, hoan hỉ với
những viên kẹo ngọt của tình yêu, vị ngọt thấm sâu tận đáy tâm hồn thì dại
dột gì mà mình lại giã từ giờ cầu nguyện mỗi ngày cho dù là hết khóa? Đời
sống cầu nguyện của con được bắt đầu từ đó!
Trong phần “Chuẩn
Bị Cho Thao Luyện Nhẹ Nhàng III” cha Joseph Tetlow có nói Thao Luyện Nhẹ
Nhàng không chỉ giúp người tham dự giữ được
“thói quen” (cầu nguyện) họ đang có mà là tiếp tục một
“lối sống” (cầu nguyện).
“Thói quen”
thì có thể thay đổi còn “lối sống”
thì đã ăn vào xương vào tủy và khó có thể thay đổi được, khi thay đổi lối
sống, mình không còn là mình nữa. Thí dụ một người đi làm ca đêm thường
có thói quen ngủ ban ngày, sau một thời gian dài anh ta đổi làm ca sáng
thì anh ta lại trở về thói quen cũ là ngủ vào ban đêm. Còn lối sống của
người Việt Nam là ăn cơm phải có nước mắm trong mỗi bữa ăn, khi không còn
cơm và nước mắm nữa thì người Việt tha hương vẫn sống được nhưng anh ta
cảm thấy thiếu thốn một thứ gì đó thân thương trong cơ thể, như thiếu hơi
thở, như thiếu tình thương, như thiếu lời ru của mẹ hiền. Dù anh ta vẫn
sống, vẫn thở, vẫn tồn tại nhờ bơ, sữa, hamburger, thịt bít tết … nhưng
anh ta có cảm giác mình không còn là mình nữa, mình không còn là Con Rồng
Cháu Tiên của cơm ngày ba bữa với rau luộc chấm nước mắm nữa. Lúc đó anh
ta biết mình đã bị lai căng một cách bất đắc dĩ. Khi được trở về với cơm
và nước mắm trong một căn phòng tuyết phủ đầy sân, anh ta hít hà mùi nước
mắm thơm tho và vui sướng biết mình vẫn còn là người Việt. Cái khác nhau
của “thói quen”
và “lối sống” là thế đó!
Ơn gọi của người Kitô hữu là cầu nguyện gặp gỡ Chúa “mỗi
ngày” trong đời sống thường nhật chứ không chỉ một vài ngày
trong năm ở trên núi cao. Ơn gọi của Người Kitô hữu là xây dựng một đời
sống cầu nguyện cho chính mình chứ không phải là một thói quen rảnh thì
làm, bận thì thôi! Khi không có đời sống cầu nguyện, người Kitô hữu vô
tình hay hữu ý đã sống như một người bị lai căng, bị đời hóa. Khi không
có đời sống cầu nguyện, người Kitô hữu vẫn mãi mãi chỉ dừng lại ở “đức tin
nghe nói” chứ chưa tiến lên “đức tin kinh nghiệm” *.
Con nhìn thấy được
cao vọng của tác giả viết chương trình Thao Luyện Nhẹ Nhàng là giúp người
tham dự có một chương trình rõ ràng được liên kết chặt chẽ với nhau trong
vòng 14 tuần, có một phương pháp cầu nguyện với Kinh Thánh hẳn hoi, và sau
chương trình đó, tác giả hy vọng người tham dự sẽ có một đời sống cầu
nguyện thường xuyên trong đời sống hàng ngày của mình cho dù là kết thúc
khoá chứ không chỉ dừng lại ở một thói quen cầu nguyện mỗi ngày trong một
thời gian ngắn.