People are like stained glass, when darkness sets in, their true beauty is revealed only if there is a light from within - Elizabeth Kuber-Ross


 


 

Thao Luyện Nhẹ Nhàng


Why and how to do the Lightworks

Tôi thao luyện nhẹ nhàng
Who do you say I am?
Phút hồi tâm
Chia trí trong cầu nguyện
 

 

 
Trang chính TLNN
 
   
 
Phương Thức Cầu Nguyện
   
       
 


Cầu nguyện là cách đáp ứng của từng cá nhân với sự hiện diện của Chúa. Chúng ta đến với Chúa một cách kính cẩn với một trái tim lắng nghe. Chúa nói trước và chúng ta lắng nghe. Trong lúc cầu nguyện, chúng ta cảm nhận sự hiện diện của Chúa và đáp ứng tình yêu của Chúa một cách biết ơn. Trọng tâm luôn luôn là Chúa và những gì Chúa làm.

Sau đây là những đề nghị để trợ giúp và khiến cho chúng ta có thể chăm chú nghe lời Chúa và lời đáp trả duy nhất của chúng ta:

A. Một Thủ Tục Cầu Nguyện Hàng Ngày
1. Chuẩn Bị
2. Từng bước một
3. Kiểm điểm giờ cầu nguyện
B. Các Hình Thức Cầu Nguyện Một Mình
1. Suy Niệm
2. Chiêm Niệm
3. Cầu Nguyện Tập Trung
4. Lời Nguyện Lập Lại
5. Đọc Chiêm Niệm
6. Viết Nhật Ký
7. Lập Lại
C. Các Thực Tập Linh Thao và Hướng Dẫn Khác
1. Hồi Tâm
2. Chia Sẻ Đức Tin
3. Vai Trò của sự Tưởng Tượng trong việc Cầu Nguyện
4. Cách đối phó với sự chia trí

 

A. Một Thủ Tục Cầu Nguyện Hàng Ngày

Trong mỗi thời gian cầu nguyện, hãy sử dụng thủ tục sau đây:

1. Chuẩn Bị

Hãy dự trù để dành ít nhất từ 20 phút đến một giờ để cầu nguyện hàng ngày. Mặc dầu không có gì là "thiêng liêng" về con số sáu mươi phút, đa số chúng ta nhận thấy rằng cần đến một giờ để có đủ thì giờ cho việc lắng đọng, và để bước vào đoạn Phúc Âm, v.v...

Đêm trước, dành thì giờ để đọc các phần giải thích hay chú giải Thánh Kinh trong các sách phụ dẫn để hiểu rõ về đoạn Phúc Âm, và đọc đoạn Phúc Âm. Trước khi buồn ngủ, hãy nhớ lại đoạn Thánh Kinh này.

Top


2. Từng bước một

Hãy lắng đọng, cả bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn. Hãy thoải mái. Hít vào thật sâu, đếm đến bốn, rồi thở ra từ từ bằng miệng. Lập lại nhiều lần.

Nhận thức được rằng chúng ta không đáng là gì cả nếu không có Chúa; nói với Chúa là chúng ta tùy thuộc hoàn toàn vào Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta ơn lành chúng ta ước muốn và cần thiết.

Đọc và suy nghĩ về đoạn Thánh Kinh đã lựa chọn, sử dụng hình thức cầu nguyện thích hợp: suy niệm cho những Thánh Vịnh và những đoạn không kể chuyện, chiêm niệm cho những đoạn kể chuyện hay có biến cố xảy ra. (Xem phần chỉ dẫn về các hình thức cầu nguyện ở các trang sau).

Kết thúc thời gian cầu nguyện bằng một cuộc đối thoại với Chúa Giêsu và Chúa Cha. Nói và lắng nghe. Chấm dứt bằng một kinh Lạy Cha.

Top


3. Kiểm điểm giờ cầu nguyện

Kiểm điểm cầu nguyện là suy nghĩ vào cuối thời gian cầu nguyện. Mục đích là gia tăng nhận thức của chúng ta về cách thức Chúa đã đến và hiện diện với chúng ta trong thời gian cầu nguyện.

Sự kiểm điểm nhắm vào những xúc cảm bên trong về việc được an ủi hay bị thất vọng xảy đến qua cảm nghĩ của chúng ta về sự vui sướng, bình an, buồn rầu, sợ hãi, bối rối, tức giận, v.v.

Nhiều khi trong lúc kiểm điểm, chúng ta biết rõ cách thức Chúa đáp lại lời cầu xin của chúng ta về một ơn lành nào.

Trong trường hợp không có người linh hướng hay bạn đường cầu nguyện, viết những cảm nghĩ xuống có thể thay thế cho việc lượng giá và giải thích. Nếu có vị linh hướng, kiểm điểm bằng cách viết xuống sẽ giúp cho dễ chia sẻ kinh nghiệm cầu nguyện với vị linh hướng.

Phương Pháp

Hãy ghi xuống sau mỗi buổi cầu nguyện, trong một tập vở hay nhật ký, ngày giờ và đoạn Phúc Âm. Trả lời các câu hỏi sau đây:
1. Có câu nào hay đoạn nào đánh động chúng ta?
2. Cảm tưởng chúng ta ra sao? Chúng ta có thấy bình an?.. yêu thương?..tin cây?.. buồn rầu?.. chán nản?.. Các cảm tưởng này nói gì với chúng ta?
3. Chúng ta đã cảm nhận hơn thế nào về sự hiện diện của Chúa?
4. Có điểm nào có thể giúp đỡ thêm nếu trở lại cầu nguyện trong thời gian kế tiếp?

Top

B. Các Hình Thức Cầu Nguyện Một Mình

Có nhiều hình thức cầu nguyện với Thánh Kinh. Mỗi hình thức thích hợp với một hạng người. Bằng cách thực tập nhiều lần các phương pháp khác nhau chúng ta trở nên giỏi dang khi sử dụng hình thức thích hợp cho đoạn Thánh Kinh và hòa hợp với nhu cầu cá nhân và cá tính của chúng ta.

Có các hình thức sau đây:

1. Suy Niệm

Khi suy niệm chúng ta đến với đoạn Thánh Kinh như với một lá thư tình; hình thức này rất hữu ích khi cầu nguyện với những đoạn thơ như Thánh Vịnh.

Phương Pháp

1. Đọc đoạn Thánh Kinh thật chậm, lớn tiếng hay thì thầm, để cho các chữ bao trùm lên bạn, và nghiền ngẫm từng chữ.
2. Dừng lại ở những chữ đặc biệt làm bạn chú ý; hấp thụ chúng như người khát mong uống nước mưa trời.
3. Lập lại một chữ hay một câu nhiều lần, nhận thức những cảm giác đang được đánh thức giậy.
4. Đọc, và đọc lại đoạn Thánh Kinh nhiều lần một cách trìu mến, y như đọc một lá thư tình, hay như khi bạn hát nhẹ nhàng điệp khúc của một bài ca.

Top


2. Chiêm Niệm

Khi chiêm niệm, chúng ta bước vào một biến cố hay một đoạn kể chuyện trong Thánh Kinh. Chúng ta bước vào đoạn này bằng sự tưởng tượng, và sử dụng tất cả các cảm quan của chúng ta.

Các nhà thần học dạy rằng qua chiêm niệm, chúng ta có thể "nhớ lại và hiện diện trong những mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Kitô".

Thần Trí Chúa Giê-su hiện diện trong chúng ta qua phép rửa tội, dạy dỗ chúng ta y như Chúa Giê-su đã dạy dỗ các tông đồ. Thần Trí gợi lại và làm sống động các mầu nhiệm chúng ta bước vào qua việc cầu nguyện. Cũng như ở trong Thánh Thể, Chúa Giê-su lên trời đã làm hiện diện mầu nhiệm Phục Sinh, trong việc chiêm niệm, Thánh thần đem tới biến cố đặc biệt mà chúng ta chiêm niệm và Thánh thần tự xuất hiện trong mầu nhiệm ấy.

Phương Pháp

Trong khi chiêm niệm, chúng ta bước vào câu chuyện y như chính chúng ta có mặt ở đó:
1. Quan sát những gì xảy ra; lắng nghe những gì đã được nói.
2. Trở nên một thành phần của mầu nhiệm; lãnh vai trò cuả một nhân vật.
3. Nhìn từng nhân vật; nhân vật đó đang có kinh nghiệm gì? Nhân vật đó đang nói với ai?
4. Nếu tôi nghe được lời Chúa nói với tôi trong đoạn thánh kinh đó thì có ảnh hưởng gì đến đời sống của tôi, gia đình tôi, xã hội tôi?

Trong câu chuyện Thánh Kinh, bước vào một cuộc đối thoại với Chúa Giê-su:
1. Có mặt ở đó với Chúa và vì Chúa.
2. Ước muốn Chúa, thèm khát Chúa.
3. Lắng nghe Chúa.

Top


3. Cầu Nguyện Tập Trung

"Trong khi cầu nguyện tập trung, chúng ta vượt qua các ý tưởng và hình ảnh, vượt qua các cảm quan, và vượt qua trí óc lý luận tới trung tâm của tâm hồn chúng ta nơi Chúa đang làm những việc lạ lùng".

Cầu nguyện tập trung là một hình thức cầu nguyện rất giản dị, rất trong sáng, thường thì không ra lời; đó là cách mở trái tim chúng ta cho Thánh Thần đến ngự trị trong chúng ta.

Trong cầu nguyện tập trung, chúng ta tuột dốc xoáy ốc để đi sâu xuống vào tận đáy tâm hồn chúng ta. Đó là điểm yên tĩnh trong ta nơi đa số chúng ta cảm nghiệm đã được cấu tạo bởi một Thiên Chúa thương yêu đã thổi hơi thở cho chúng ta được sống. Muốn bước vào sự cầu nguyện tập trung, chúng ta phải tuyên xưng sự phụ thuộc của chúng ta vào Chúa và đầu hàng trước tinh thần yêu thương của Ngài.

"... Thánh Thần cũng đến để giúp đỡ chúng ta những lúc yếu đuối. Thánh Thần trình bày nhừng lời cầu xin của chúng ta dưới những hình thức không thể diễn tả bằng lời..."(Ro-ma 8:26)

Thánh thần của Chúa Giêsu kêu lớn trong chúng ta "A-ba, Lạy Cha" (Ro-ma 8:15).

Phương Pháp

"Dừng lại một lát và nhận biết Ta là Thiên Chúa" (Thánh Vịnh 46:10).
1. Ngồi yên lặng, thoải mái và dễ chịu.
2. An nghỉ trong mong muốn và ao ước Chúa.
3. Di chuyển vào trung tâm sâu xa của bản thể chúng ta. Sự di chuyển này có thể dễ dàng nếu tưởng tượng như khi chúng ta đang tụt xuống trong một cầu thang máy, hay khi đang bước xuống một cầu thang dài, hay khi đang leo xuống một triền núi, hay lặn sâu xuống một hồ nước.
4. Trong sự yên tinh, cố nhận thức được sự hiện diện của Chúa; hấp thụ tình yêu Chúa một cách an bình.


Top


4. Lời Nguyện Lập Lại

Một hình thức cầu nguyện tập trung khác là sử dụng lời nguyện lập lại. Lời nguyện lập lại có thể là một chữ hay một câu. Có thể là một chữ trong đoạn Thánh Kinh, hay một chữ được xuất phát tự đáy tim chúng ta. Chữ hay câu này biểu tượng cho ta sự hiện hữu đầy đủ của Chúa.

Một hình thức thay đổi của lời nguyện lập lại có thể bao gồm tên "Giêsu" hay hình thức đã được mệnh danh là "Kinh Giêsu", "Lạy Chúa Giêsu, Con của Chúa Trời hằng sống, xin đoái thương đến con, là kẻ có tội."

Phương Pháp

Chữ hay câu được lập lại nhẹ nhàng, bên trong tâm hồn để cho hòa hợp với hơi thở. Thí dụ, phân nửa đầu của Kinh Giêsu được đọc trong khi hít vào, và phân nửa sau được đọc khi thở ra.

Top


5. Đọc Chiêm Niệm

"Tôi há miệng ra; Người ban cho tôi cuốn Thánh Thư để ăn và nói, "hãy ăn đi và cảm thấy no đủ về cuốn Thánh Thư ta cho con.' Tôi đã ăn và Thánh Thư có vị ngọt như mật ong" (Ezekiel 3:2-3).

Một cách cầu nguyện là chiêm niệm khi đọc một đoạn Thánh Kinh hay các bài văn viết về linh thao khác.

Đọc như vậy luôn luôn giúp cho đời sống cầu nguyện của chúng ta được phong phú hơn. Phương pháp được mô tả sau đây đặc biệt có ích khi chúng ta cảm thấy khô khan nguội lạnh.

Phương Pháp

Đọc một cách chậm rãi, ngưng lại nhiều lần để cho các chữ các câu xâm nhập vào cơ thể chúng ta. Khi một tư tưởng vang động sâu xa, dừng lại ở đó, để cho ý nghĩa đầy đủ của chúng, xâm nhập tâm hồn chúng ta. Tận hưởng những chữ đã cảm nhận được. Đáp trả một cách tự nhiên y như khi đối thoại.

Top


6. Viết Nhật Ký

"Nếu các bạn đọc các dòng chữ của tôi, các bạn sẽ có một khái niệm về chiều sâu tôi đã cảm nhận được trong mầu nhiệm của Chúa Kitô" (Ephêsô 3:4).

Viết nhật ký là một hình thức viết trong chiêm niệm. Khi chúng ta đặt bút trên giấy, linh hồn và thân thể hỗ trở để giải tỏa bản thể thật sự của chúng ta.

Có sự khác biệt giữa hình thức cầu nguyện này với cách chúng ta giữ nhật ký hàng ngày.

Cầu nguyện bằng nhật ký là cảm nhận trong ánh sáng mỗi khi các hình ảnh mới được phát xuất từ tiềm thức của chúng ta được ban cho những ý nghĩa mới. Cầu nguyện bằng nhật ký đòi hỏi phải bỏ sang một bên những thành kiến và những sự kiềm chế đã có sẵn.

Viết trong chiêm niệm giống như viết thư cho một người yêu. Các kỵ niệm được gợi lại, các niềm tin được làm cho sáng tỏ và tình cảm nổi giậy mãnh liệt trong chúng ta. Trong khi viết xuống chúng ta có thể khám phá rằng các cảm xúc được tăng cường và kéo dài.

Vì thế viết nhật ký có thể giúp cho chúng ta nhận định được các cảm xúc bị che dấu, bị đè nén, như tức giận, sợ hãi và thù hận.

Cuối cùng, cầu nguyện bằng nhật ký có thể giúp chúng ta tôn trọng hơn những chữ những câu đã được viết trong Thánh Kinh.

Phương Pháp

Có nhiều hình thức khác nhau khi cầu nguyện bằng nhật ký:
1. Viết một lá thư cho Chúa.
2. Viết một cuộc đối thoại giữa chúng ta và người khác; người khác có thể là Giêsu, hay một người nào quan trọng. Cuộc đối thoại có thể được ghép theo một biến cố, một kinh nghiệm hay một giá trị. Thí dụ, sự chết, sự chia ly, sự khôn ngoan, một tài khéo; và được tưởng tượng ra y như đang nói chuyện với người ấy.
3. Viết câu trả lời cho một câu hỏi, chẳng hạn "Con muốn Ta làm gì cho con?" (Maccô 10:51) hay "Tại sao con khóc?" (Gioan 20:15).
4. Để cho Giêsu hay một nhân vật khác trong Thánh Kinh nói với chúng ta qua ngòi bút của chúng ta.


Top


7. Lập Lại

"Tôi sẽ tiếp tục chiêm niệm về điểm trong đó tôi đã khám phá ra điều tôi mong ước, và không muốn đi xa thêm trước khi tôi hoàn toàn hài lòng." - Thánh I-nhã thành Loyola.

Lập lại là việc trở về một thời gian cầu nguyện trước đó với mục đích để cho những hoạt động của Chúa ăn sâu trong trái tim chúng ta.

Qua sự lập lại, chúng ta tô điểm cho sự nhạy cảm của chúng ta đối với Chúa và đối với cách thức Chúa nói với chúng ta qua việc cầu nguyện và trong những hoàn cảnh của cuộc đời chúng ta. Cầu nguyện lập lại giúp cho kinh nghiệm của sự tổng hợp điều chúng ta là ai với điều Chúa đang bầy tỏ cho chúng ta biết Chúa là ai.

Lập lại là một cách để tôn kính Lời Chúa nói với chúng ta trong các buổi cầu nguyện trước. Đó là nhớ lại và suy nghĩ về một cuộc đối thoại trước đây của chúng ta với một người chúng ta yêu mến. Cũng giống như khi chúng ta nói với Chúa, "Lạy Chúa xin hãy nói lại với con điều ấy; con đã nghe thấy Chúa nói gì với con?"

Trong cuộc đối thoại tiếp theo hay lập lại này, chúng ta mở lòng cho sự hiện diện chữa lành thông thường có mãnh lực để biến cải những sự đau buồn và bối rối chúng ta đã cảm nhận được trong các buổi cầu nguyện trước đó.

Khi lập lại, không những các sự an ủi (vui sướng, ấm áp, bình an) được mạnh mẽ hơn, mà các sự thất vọng (đau khổ, buồn bã, và bối rối) thường đưa tới một trình độ mới để thấu hiểu và chấp nhận kế hoạch Chúa dành cho chúng ta.

Phương Pháp

Giai đoạn cầu nguyện chúng ta lựa chọn để lập lại là buổi cầu nguyện trong đó chúng ta đã kinh nghiệm một xúc động đáng kể về vui mừng, buồn khổ hay bối rối. Cũng có thể là một giai đoạn trong đó không có gì xảy ra, có lẽ vì chúng ta thiếu chuẩn bị.
1. Nhớ lại những cảm xúc của lần trước.
2. Sử dụng để làm một điểm khởi đầu, một khung cảnh, môt câu chữ, hay một cảm xúc đáng kể trong lần trước.
3. Để cho Thánh Thần hướng dẫn các động tác nội tâm của trái tim trong buổi cầu nguyện này.


Top

C. Các Thực Tập Linh Thao và Hướng Dẫn Khác

1. Hồi Tâm

"Giavê, Ngài xem xét con và Ngài hiểu biết con." (Thánh Vịnh 139:1).

Hồi Tâm là dụng cụ để chúng ta khám phá ra cách thức Chúa đã hiện diện trong chúng ta và chúng ta đã đáp ứng với sự hiện diện của Chúa trong ngày ra sao.

Thánh I-nhã tin rằng lối thực tập này tối quan trọng, và trong trường hợp không thể có một buổi cầu nguyện chính thức, Thánh I-nhã nhấn mạnh rằng cuộc hồi tâm sẽ giúp cho chúng ta duy trì được sự nối kết cần thiết của chúng ta với Chúa.

Hồi tâm không được nhầm lẫn với sự xét mình khi người thống hối lo nghĩ đến những sai lầm và thất bại của mình. Hồi tâm là một sự tìm kiếm để biết Chúa hiện diện ra sao trong các biến cố, trường hợp và cảm xúc của cuộc sông hằng ngày của chúng ta.

Kiểm điểm cầu nguyện đối với buổi cầu nguyện cũng như việc hồi tâm so với cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Thực tập hồi tâm một cách có kỵ luật sẽ ảnh hưởng đến sự tổng hợp quân bằng cần thiết cho sự tăng trưởng trong mối liên hệ của chúng ta với Chúa và với mọi người.

Phương pháp này phản ảnh "tác động mạnh mẽ của tình yêu cá nhân: những gì chúng ta luôn luôn muốn nói với một người chúng ta thật lòng yêu thương theo thứ tự chúng ta muốn nói. Cám ơn người.. Xin giúp con... Con yêu người... Con xin lỗi người... Xin hãy đến với con."

Phương Pháp

Kinh nguyện sau đây được đề nghị để dùng cho phút hồi tâm và có thể dùng chung với cầu nguyện bằng nhật ký.
1. Lạy Chúa là Cha của con, con hoàn toàn tùy thuộc vào Chúa. Tất cả mọi sự đều là quà tặng của Chúa. Tất cả đều là quà tặng. Con xin cảm tạ Chúa và ca ngợi Chúa về những quà tặng trong ngày hôm nay...
2. Lạy Chúa, con tin rằng Chúa hằng làm việc để giúp con tìm hiểu con. Xin cho con nhận thức sâu xa hơn rằng Chúa đang hướng dẫn và tác tạo đời sống con, cũng như cho con được nhạy cảm hơn để ý thức những trở ngại con đang gây ra cho Chúa trên đường Chúa đi.
3. Lạy Chúa, Chúa đã hiện diện trong đời sống con ngày hôm nay. Xin ở gần con, bây giờ, trong khi con đang suy niệm về sự hiện diện của Ngài trong các biến cố của ngày hôm nay...
sự hiện diện của Chúa trong các cảm xúc của con ngày hôm nay...
lời Chúa gọi con...
lời con đáp trả Chúa..
4. Lạy Cha, con xin Cha nhân từ tha thứ và chữa trị cho con. Biến cố đặc biệt của ngày hôm nay mà con muốn được chữa trị nhiều nhất là...
5. Xin cho con được tràn đầy hy vọng và một niềm tin vững vàng vào tình yêu của Chúa, con trông cậy hoàn toàn vào sự chăm sóc của Chúa, và con xác nhận rằng... (Nói lên những ơn lành chúng ta ước muốn và cần thiết nhất; tin tưởng rằng Chúa mong muốn ban cho chúng ta quà tặng ấy.)


Top


2. Chia Sẻ Đức Tin

"Ở đâu có hai hay ba người họp mặt, Ta sẽ ở đó với họ" (Mathêu 18:20).

Trong sự cấu tạo một cộng đồng điều cần thiết là mọi thành phần phải liên lạc mật thiết với nhau về những vấn đề căn bản của đời sống họ. Đối với các Kitô hữu, đây là chia sẻ đức tin, và là một cách để phụ giúp cho việc cầu nguyện một mình.

Một nhóm chia sẻ đức tin không phải là một nhóm hội thảo, không phải là một buổi họp mặt. Các thành phần không đến với nhau để chia sẻ những nhận thức về trí tuệ hay thần học. Mục đích của chia sẻ đức tin cũng phải là để hoàn tất một trách vụ đã được ân định trước.

Mục đích của chia sẻ đức tin là để nghe và để được mở lòng cho Chúa trong khi Chúa tiếp tục bày tỏ mình trong cộng đồng Giáo Hội được biểu tượng qua nhóm nhỏ đã đến với nhau vì danh người. Kết quả của chia sẻ đức tin là sự xây dựng Giáo Hội, là Thân Thể của Chúa Kitô (Epheso 4:12).

Phương thức chia sẻ đức tin là đọc và suy niệm với nhau về lời Chúa. Chia sẻ đức tin mời gọi chúng ta chia sẻ với nhau trọng tâm sâu xa của chúng ta, ý nghĩa của sự kiện được làm một kẻ đi theo Chúa trong thế giới ngày nay. Thực sự chia sẻ đức tin là đến để cùng yêu thương nhau trong Chúa Kitô mà Thần Trí là mãnh lực liên kết của nhóm.

Một hình ảnh của một nhóm chia sẻ đức tin là một hồ nước trong đó các viên sỏi được ném vào. Nhóm nhỏ ngồi thành vòng tròn như ngồi quanh hồ nước. Như một viên sỏi được thả nhẹ nhàng vào nước, mỗi viên tạo nên một phản ảnh của lời Chúa. Trong yên lặng của sự chia sẻ, mỗi lời hiến dâng đều được nhận lãnh. Trong khi mặt nước sao động với những đợt sóng hình tròn đồng tâm lan rộng về phía bờ hồ, những câu nói cũng vậy, được bành trướng để bao trùm, trong tình yêu, mỗi thành phần của nhóm ngồi theo hình tròn.

Phương Pháp

Một nhóm bảy người tụ họp nhau ở một chỗ vào giờ đã định trước.
1. Trưởng nhóm khai mạc và mời gọi mọi người thinh lặng để cầu xin cho có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.
2. Trưởng nhóm kết thúc phần cầu nguyện trong thinh lặng của nhóm bằng một lời nguyện đã chuẩn bị trước hay ứng khẩu.
3. Một nhóm viên đã được chỉ định trước đọc một đoạn Thánh Kinh đã lựa chọn trước và nhóm viên đã có thì giờ để cầu nguyện với đoạn này một mình.
4. Một thời gian im lặng theo sau mỗi lần đọc Thánh Kinh.
5. Trưởng nhóm mời mọi người chia sẻ một câu hay một chữ trong đoạn Thánh Kinh.
6. Một nhóm viên khác đọc lại đoạn Thánh Kinh; theo sau bởi một thời gian im lặng khác.
7. Trưởng nhóm mời các nhóm viên muốn chia sẻ về đoạn này đã có tác động gì với cá nhân họ, thí dụ, khích lệ, an ủi, mời gọi, v. v.
8. Một lần nữa đoạn sách đượcc đọc lại.
9. Các nhóm viên được mời gọi để cầu nguyện ứng khẩu với Chúa.
10. Trưởng nhóm kết thúc buổi cầu nguyện bằng một lời nguyện, bằng phép lành, bằng kinh Lạy Cha, hay một bài Thánh ca.
11. Trước khi nhóm giải tán, đoạn sách được lựa chọn cho buổi họp sau được ấn định.


Top


3. Vai Trò của sự Tưởng Tượng trong việc Cầu Nguyện

Tưởng tượng là khả năng ghi nhớ và gợi lại có thể giúp cho chúng ta trở lại những kinh nghiệm trong quá khứ và để tạo dựng nên tương lai. Qua các hình ảnh chúng ta có thể đạt được trọng tâm của bản thể chúng ta là ai, và tạo nên sự sống và ý nghĩa cho những tầng lớp sâu xa nhất của bản thể con người chúng ta.

Việc sử dụng các hình ảnh quan trọng cho sự phát triển tâm lý và tâm thần chúng ta. Các hình ảnh gợi lên cùng một lúc nhiều tầng lớp ý nghĩa khác nhau và do đó là biểu tượng của thật tế sâu xa của chúng ta.

Qua việc sử dụng khéo léo việc tưởng tượng, chúng ta có thể giải tỏa các tiềm năng được che dấu.

Khi sức tưởng tượng hoạt động trong lúc cầu nguyện, và được kèm theo một thái độ tin tưởng, chúng ta tựcởi mở cho quyền năng và mầu nhiệm của sự hiện diện cải tạo của Chúa hoạt động trong chúng ta.

Vì phần lớn Thánh Kinh là một tổng hợp các câu chuyện đầy những hình ảnh gợi cảm xúc, việc sử dụng trí tưởng tượng khi cầu nguyện bằng Thánh Kinh rất là xúc tích.

Qua những hình ảnh của Thánh Kinh, chúng ta vượt qua sự thật của lịch sử để khám phá chân lý của mầu nhiệm của lời Chúa trong đời sống chúng ta.
 


4. Cách đối phó với sự chia trí

Điều quan trọng là không được chú ý quá nhiều hay bị nản chí vì sự chia trí trong khi cầu nguyện. Chỉ cần bỏ nó qua một bên và trở về tài liệu cầu nguyện. Nếu sự chia trí cứ tiếp diễn, có thể là một sự kêu gọi phải lo lắng đến mục tiêu của sự chia trí. Thí dụ, có thể đó là một vấn đề chưa được giải quyết sẽ cứ tiếp tục được gợi đến cho đến khi nào vấn đề đó được giải quyết thỏa đáng.


 

   
         

 

Đồng Hành | Trang Chính | Tu Ðức | Tổ Chức | Lịch Trinh LT | Báo ÐH | Tài LiệuNối Kết | Mục Lục |