Tuần I Linh Thao
Ngay trong bài
linh thao đầu tiên, thánh I-Nhã đã nhấn mạnh đến tội lỗi và muốn chúng
ta ý thức sự ghê tởm và tác hại của nó. Ngài muốn chúng ta nhìn thật
kỹ những hậu quả ghê gớm do một tội duy nhất mà các thiên thần đã phạm,
sau đó nhìn đến những hậu quả thật khủng khiếp do một tội duy nhất mà
tổ tông của chúng ta đã phạm, và sau cùng là hậu quả mà một linh hồn
mắc tội trọng phải chịu khi chết.
Thánh I-Nhã đã
muốn người làm linh thao phải cầu nguyện đề tài này lập đi lập lại ba
lần. Từ suy niệm qua chiêm niệm, qua cảm nhận xấu hổ rồi đi đến gớm
ghét tội lỗi.
Có khi nào chúng
ta nghĩ rằng chỉ một tội bất phục tùng của Adong đã đem đến những hậu
quả ghê gớm từ việc Cain giết em là Abel ở những ngày đầu tiên đó cho
đến sự tàn sát cả một thành phố đông đúc dân cư bằng một quả bom trong
thế giới ngày hôm nay?
Có khi nào chúng
ta nghĩ rằng nhân loại bắt đầu là những tạo vật mang hình ảnh của Đấng
Sáng Tạo, được cho quyền hưởng hạnh phúc trường sinh đã trở thành một
đoàn lữ hành đi về cõi chết, chỉ vì con người đầu tiên đã không biết
dùng sự tự do của mình để chọn đúng việc cần phải làm?
Cứ nhìn những hậu
quả ghê gớm trong xã hội loài người để thấy được sự tai hại của tội
lỗi - chỉ một tội kiêu ngạo bất phục tùng của Adong! Cả nhân loại sống
trong một bể khổ, cả một chương trình tuyệt vời của Đấng Toàn Năng bị
đảo lộn chỉ vì một hành động bất tuân phục.
Hái một trái cấm,
Adong đã đem vào thế giới những bệnh hoạn, sa đọa, chiến tranh, những
nấm mồ, những bào thai bị ném vào thùng rác, những tiếng khóc nức nở
triền miên bắt đầu từ tiếng khóc của Evà ôm trên tay xác Abel chết đẫm
máu vì sự ghen tương của Cain. "Hậu quả của tội lỗi là sự chết" (Rom
6:23). Quả thật, Adong đã đem chiến tranh hận thù và sự chết vào thế
giới.
Trong những bài
linh thao của Tuần thứ Nhất, thánh I-Nhã không những giúp chúng ta
nhìn vào tội lỗi, nhìn xem khói lửa trong hỏa ngục, nhưng còn nếm thử
sự cay đắng của nước mắt, sờ mó xem lửa thiêu đốt các linh hồn thế nào,
nghe tiếng kêu rên xiết của những linh hồn bị đầy đọa, ngửi mùi vị của
khói, diêm sinh và sự thối tha của hỏa ngục nữa. Thánh I-Nhã muốn
chúng ta thử bước vào hỏa ngục bằng tất cả năm giác quan để hiểu được
sâu xa bản chất của tội lỗi, để nhận thức được môi trường của hận thù,
bất mãn, của cực khổ và độc ác - môi trường hỏa ngục. Ngay cả khi vũ
trụ này qua đi, khi mà những hành tinh cuối cùng đã dụi tắt thì lửa
hỏa ngục sẽ còn muôn đời bùng cháy, "ngọn lửa không hề tắt" (Mt 3:12;
Mc 9:49), nơi mà Lucipher và bầy ác qủy sẽ đời đời gào thét trong căm
hờn.
Đi thêm một bước
nữa, Thánh I-Nhã muốn người làm linh thao có được một kinh nghiệm gần
gũi hơn, thực tế hơn bằng cách hình dung một vị thánh suốt cuộc đời
phục vụ Chúa một cách tận tụy và sốt sắng, nhưng trước khi chết đã
phạm một tội trọng mà không ăn năn trở về. Có lẽ đó là một thí dụ rất
hiếm để có thế xảy ra, nhưng thánh I-Nhã muốn dạy một bài học về căn
tính của tội lỗi và thí dụ này tuy đơn giản nhưng rất hiệu nghiệm.
Điều này có thể xảy đến cho chính chúng ta. Thật gần gũi và thực tế.
Lòng thương xót
bao la của Thiên Chúa
Lòng thương xót
của Thiên Chúa bao la đến nỗi Ngài đã tha thứ quá dễ dàng. Nói cách
khác, điều kiện để được tha thứ đã quá đơn giản vì lòng thương xót của
Thiên Chúa quá bao la, và vì thế không mấy ai hiểu được chiều dài,
chiều rộng, chiều cao của cái gọi là tội. Việc tội lỗi được tha thứ dễ
dàng có thể làm cho chúng ta quên đi sự nguy hiểm của việc phạm tội
trọng và hình phạt là hỏa ngục đời đời. Thánh I-Nhã giúp ta thấy chỉ
một tội duy nhất của một thiên thần đã châm mồi cho ngọn lửa hỏa ngục
đời đời, chỉ một tội duy nhất của Adong đem đến hậu quả khổ ải trầm
luân cho loài người. Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ chỉ đem
đến kết quả khi con người biết ăn năn hối cải, khi người con hoang
đàng biết ăn năn quay về với Cha.
Chúng ta có nhận
thức được sự nguy hiểm của tội lỗi mà người đời ngày nay coi nhẹ?
Sự nguy hiểm khôn
lường của tội lỗi có khả năng làm cho một người trong trắng và nhậy
cảm phải lo sợ đổ mồ hôi pha lẫn máu trong vườn Ghêt-sê-ma-ni
(Lc.22:44), và cũng sẽ xảy đến cho một Kitô hữu thực sự.
Vũ Tiến Long
|