|
Bài đăng lần đầu trong báo Đồng Hành, tháng 11 năm 1987.
Thầy Giêsu là
anh hùng cao cả nhất của nhân loại. Ngôi Hai Nhập Thể mời chúng ta
hăng hái chấp nhận kiếp làm người và theo Ngài để biến thành con người
mới, xứng đáng làm con Thiên Chúa. Mầu nhiệm NHẬP THỂ là niềm hy vọng
cao quý nhất của nhân loại. Chúa Giêsu là người như chúng ta, tiếp xúc
với Chúa Cha qua Đức Tin. Nói như vậy không có nghĩa là trong Chúa
Giêsu có xung đột giữa cái tôi ích kỷ và lòng quý mến Thiên Chúa. Ngôi
Hai Nhập Thể đã bỏ ngai vàng, bỏ ánh sáng huy hoàng, sức lực vô biên,
sự hiểu biết của đời sống vĩnh cửu (nhìn quá khứ như hiện tại và tương
lai) cũng như hạnh phúc chiêm ngưỡng nhãn tiền Chúa Cha. Khi Ngôi Hai
Nhập Thể dường như Ngài bỏ tất cả những gì thuộc về bản tính Thiên
Chúa. Như vậy khi Nhập Thể, Ngài giữ những gì? Ngài giữ tình thương
của người Con.
Khi tuyên xưng
Con Thiên Chúa Nhập Thể chúng ta tin rằng tình thương làm Con của Chúa
Ba Ngôi đã nhập thể, đã mặc lấy bản tính loài người. Nhìn Thầy Chí Ái
chúng ta không có thể lấy làm lạ trước tấm lòng trong trắng, đầy lòng
hiếu thảo đối với Chúa Cha vì Thầy là Con Chúa ở với chúng ta.
Thầy đã sống
như chúng ta về mọi phương diện, trừ tội lỗi. Ngài xuống thế làm người
để tỏ lộ tình thương Chúa Cha dành cho mỗi người. Ngài là tiếng kêu
mời của Chúa Cha: “Con cưng của Cha, con hãy trở về! Cha mong con từng
giây từng phút!” Đồng thời Ngài là Đường chúng ta phải theo để trở về
với Cha. Thầy Chí Ái là vị trung gian duy nhất giữa loài người và Chúa
Cha, vì chỉ một mình Ngài hiểu biết Chúa Cha và đường lối trở về với
Ngài. Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm căn bản của tất cả các mầu nhiệm
trong Đức Tin Yêu của chúng ta. “Ngôi Lời đã Nhập Thể và ở với chúng
ta.” Ngài đã biến thành một hài nhi ngây thơ, một thanh niên duyên
dáng đầy nghị lực, một người trưởng thành biết lo âu với trách nhiệm
nặng nề. Có người tưởng rằng thể xác là một nhược điểm của con người
làm cản trở cho tâm linh. Chúa Nhập Thể dạy chúng ta rằng chính nhờ
thể xác và qua thể xác, con người mới có thể diễn tả tâm linh. Nhờ thể
xác Ngôi Hai mới hiện diện ở giữa chúng ta và làm vinh hiển cho Chúa
Cha.
Thiên Chúa ở
giữa chúng ta qua những lời chúc bình an, thăm hỏi, tha thứ hoặc giảng
dạy, qua sức hấp dẫn của các lời chân thật, của một nụ cười, của tình
bạn. Thiên Chúa ở giữa chúng ta qua các hành động chữa bệnh, trừ quỷ.
Nhưng Thiên Chúa cũng hiện diện ở giữa chúng ta qua sự yếu đuối của
Thầy, đã từ bỏ uy quyền cao cả để chia sẻ tuổi thơ ấu, những lo âu
cũng như nỗi sợ hãi, đau đớn chập chờn trong lòng. Thiên Chúa hiện
diện ở giữa chúng ta ngay lúc Thầy mặc lấy bệnh tật và sự chết bất
công, ô nhục. Ôi mầu nhiệm lạ lùng Chúa Nhập Thể và ở với chúng ta!
Khi Ngôi Hai hiện diện ở giữa chúng ta qua mọi biến cố trong kiếp làm
người, Chúa Cha kêu mời chúng ta nhận Ngài là Cha thân yêu. Thiên Chúa
hiện diện giữa gia đình loài người qua ba mươi năm sống ẩn dật, qua ba
năm rao giảng Tin Mừng, cũng như qua những giây phút cuối cùng khi
Ngài chết trong tay của kẻ gian ác. Tất cả những kinh nghiệm vui buồn,
huy hoàng cũng như ô nhục của loài người cũng là kinh nghiệm của chính
Thiên Chúa trong Chúa Giêsu.
Thiên Chúa ở
với chúng ta bởi vì Ngôi Hai đã làm người. Chúng ta đã từng nghe rằng
“con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa” nhưng vẫn có cảm
tưởng con người quá nhạy cảm, nhỏ bé, quá yếu đuối! Ai ngờ bản tính
loài người cao quý vậy? Thầy làm vinh hiển cho loài người. Thầy Giêsu
là một mẫu người mới làm gương cho tất cả chúng ta. Trong lịch sử nhân
loại đã có nhiều mẫu người để chúng ta nhìn và bắt chước: nhà bác học,
vua chúa nổi danh, người giàu sang hưởng thụ mọi thú vui, nhà hiền
triết cao cả, người cha người mẹ sống thật bình thường để hưởng trọn
hương vị của tình yêu. Chúng ta, tuỳ ý mình, có thể lựa chọn một mẫu
người làm lý tưởng để bắt chước. Tuổi trẻ Việt Nam tại xã hội văn minh
này đang cố gắng vươn lên, mỗi người theo một lý tưởng. Chúa Giêsu là
con người cao quý, duyên dáng nhất. Thầy là mẫu người cao quý nhất bởi
vì Thầy chỉ cho chú ng ta cách làm con Thiên Chúa. Chính Thầy là Con
yêu dấu của Ngài. Trong Chúa Kitô gia đình nhân loại có thể chia sẻ
vinh hiển của Thiên Chúa. Trong Chúa Giêsu chúng ta được kêu gọi để
chia sẻ thiên tính. Ôi cuộc mạo hiểm, cuộc phiêu lưu hấp dẫn nhất!
Nhìn kỹ tâm
linh của Thầy lúc hiện diện ở giữa loài người, chúng ta khám phá ra ý
muốn vâng lời Chúa Cha là động lực nội tâm. Thầy quý phục và yêu mến
Chúa Cha trong mỗi giây phút vui buồn, trong sức lực mạnh mẽ cũng như
sự yếu đuối của cuộc sống Thầy. Đối với Thầy tất cả những gì thuộc về
cuộc sống hằng ngày mà Thầy biết là Thánh Ý Cha đều có một ý nghĩa
trọn vẹn. Thường thường Thầy tìm thấy Ý Chúa Cha một cách dễ dàng bởi
vì Thầy có một tâm hồn trong trắng, không ẩn ý, không ích kỷ. Trong
tâm hồn Thầy chỉ có tình thương. Nhưng cũng có lúc Thầy bị cám dỗ,
Thầy bị tràn ngập trong đêm tối của lòng gian ác, ghen tương, tham
vọng, vô tâm bạc tình. Lúc đó Thầy phải để dành nhiều thì giờ để cầu
nguyện, tìm Thánh Ý Chúa và chiến đấu với chính mình để xin vâng,
chiến thắng sự xấu xa và để thứ tha đồng loại.
Chính chúng ta
làm chứng cho mầu nhiệm Nhập Thể khi mở lòng cho Thầy Chí Ái và thấy
con tim cô đơn, lạnh lùng, u tối cũ biến đổi thành con tim mềm, nhân
từ, kiên nhẫn; khi tâm hồn dơ bẩn trở thành trong trắng; khi chúng ta
vượt thắng được các đam mê xưa và tập kêu cầu: “Abba! Cha ơi!” Ngôi
Hai vẫn muốn nhập thể trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người chúng ta.
Thầy muốn sống trong chúng ta và dạy chúng ta biết nhìn, nghe, nói,
làm việc, cười, khóc, ngủ nghỉ, cầu nguyện như Thầy. “Thầy là Đường là
Sự Thật, là Sự Sống ta.”
Ngôi Hai cũng
hiện diện trong PHÉP THÁNH THỂ. Nhưng chiếc bánh và ly rượu không được
dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Ngôi Hai không có thể hiện diện
nhờ bánh, nhờ rượu. Bánh và rượu có thể biểu tượng cho những cảm tình
cao đẹp, tỏ tình gia đình, hoặc nhắc đến những biến cố to lớn trong
lịch sử cứu rỗi nhân loại. Nhưng bánh và rượu không có thể thực hiện
thình thương Chúa Con. Ngôi Hai không có thể biến thành bánh, biến
thành rượu được. Trong Phép Thánh Thể chỉ còn hình bánh, chỉ còn hình
rượu, nhưng thực sự không còn là bánh không còn là rượu. Khác với mầu
nhiệm Nhập Thể khi Ngôi hai hiện diện ở giữa chúng ta nhờ bản tính
loài người, trong Phép Thánh Thể Chúa Giêsu hiện diện nhưng bánh không
còn là bánh, rượu không còn là rượu. Trong Phép Thánh Thể chúng ta
chẳng quan tâm đến hình thức bánh, hình thức rượu, có ngon, có ngọt,
lớn hay nhỏ, trắng hay vàng. Khi nhìn ngắm Phép Thánh Thể chúng ta nhớ
lại cuộc sống của Thầy! Nếu Ngôi Hai chưa Nhập Thể, sự hiện diện của
Ngài trong Phép Thánh Thể chẳng có ý nghĩa cụ thể đối với chúng ta.
Thờ phượng Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể chúng ta nhớ lại các lời
nói, hành động, các tâm linh của Thầy lúc sống, lúc chết cũng như đã
sống lại. Nhưng hình thức của bánh và rượu chẳng có giá trị đặc biệt
bởi vì bánh và rượu chỉ là vật chất, không có tâm linh. Nhưng các hình
thức của loài người lại quan trọng bởi vì không có hình thức, tâm linh
của loài người chẳng hiện diện được giữa loài người.
Trong Phép
Thánh Thể chúng ta nhớ nhiều biến cố trong lich sử cứu rỗi: nhớ các
con chiên của Cựu Ước, đã từng làm lễ vật để dân Chúa tỏ lòng sám hối
hoặc tạ ơn. Nhớ các con chiên trong đêm thoát khỏi Ai Cập và kiếp làm
nô lệ. Nhớ con chiên trong giao ước đầu tiên, khi dân Chúa hứa với
Giavê sống theo thánh ý Ngài, và Giavê cam kết sẽ là Thượng Đế và là
Chúa của dân. Chúng ta nhớ phép lạ hóa bánh ra nhiều, khi Đấng chăn
chiên tốt lành coi sóc và nuôi đàn chiên nhỏ của Ngài. Nhưng, khi nhìn
Phép Thánh Thể chúng ta nhớ mỗi lời nói, hành động và biến cố trong
cuộc sống Thầy Chí Ái, bởi vì nhờ những hình thức đó chúng ta mới nhận
ra Thầy hiện diện ở giữa chúng ta hôm nay, và trong Thầy chúng ta nhận
ra tiếng kêu mời của Chúa Cha: “Con cưng của Cha! Hãy trở về!”, hoặc
lời kêu mời: “Đây là Con yêu dấu của Cha, hãy nghe Lời Ngài!”, và Chúa
sẽ nhập thể trong cuộc sống chúng ta, trong từng biến cố vui buồn của
kiếp làm người của chúng ta. Nhờ Thầy chúng ta cũng sẽ từ bỏ mình đi,
dẫn tất cả chúng ta trở về với gia đình Thiên Chúa.
|
|