|
Thày dòng đang
trang nghiêm sốt sáng, quì gối say sưa nguyện ngẫm trong nhà nguyện.
Ánh hoàng hôn đã tắt trên đỉnh đồi cao, không gian đỏ ối đang biến
thành một màu tím thẫm. Gió rì rào thổi xuyên qua những cành lá,
tiếng côn trùng rỉ rích vang lên xen lẫn những tiếng kêu ồm ộp của ếch
nhái văng vẳng từ xa vọng lại như một khúc nhạc du dương êm ái. Thày
dòng cảm khái, lòng trí lâng lâng dào dạt những tâm tình cảm mến dâng
lên Chúa. Bỗng nhiên thày nghe thấy có tiếng thở phì phò, rồi một
tiếng kêu: “Bò..òo ...” thật lớn, ầm ĩ vang lên. Bực mình quá, thày
dòng quay phắt lại! Thì ra một chị bò cái đã đứng kề bên cửa sổ từ
thủa nào, miệng hãy còn đang há hốc, chưa kịp ngậm lại. Cáu tiết,
thày dòng quát lên:
- Câm mồm, tao
đang cầu nguyện mà!
Đột nhiên, trong
một vài giây tích tắc đồng hồ, thày dòng cảm thấy như: tiếng côn trùng
đang rên rỉ tự nhiên tắt ngúm, gió vi vu rì rào bỗng ngưng bặt, ngay
cả ánh nến đang lung linh chập chờn trước Nhà Tạm tự dưng như khựng
lại. Cả không gian vắng ngắt, lặng thinh! Thày dòng cảm thấy lòng
mình trào lên một nỗi buồn tê tái, da diết khôn tả! Thày ân hận, quay
lại mỉm cười, nhỏ nhẹ âu yếm nói với chị bò:
- Hãy hát lên đi
cưng!
Chị bò ta lại
ngoác miệng rống lên: “Bò .. òo ...” Thế rồi, ánh nến lại tung tăng
nhảy múa, cả không gian lại hòa vang một tấu khúc vĩ đại như tưng bừng
reo vui. Thày dòng cảm thấy lòng mình chan hòa một niềm vui bừng vỡ!
Thày hiểu được chân lý này: Thì ra cầu nguyện không phải là đem hết
tâm hồn trí khôn đăm chiêu, chăm chú vào một chuyện gì đó! Cầu nguyện
chính là hòa mình với không gian vũ trụ vạn vật, để hướng lòng mình
vào Đấng Tối Cao.
|
|
|
Nhiều người, mỗi
khi nghĩ đến cầu nguyện, là nghĩ ngay đến việc cầm lòng cầm trí! Nếu
cần, phải bịt tai nhắm mắt lại để dễ mà cầm trí cầu nguyện. Giờ cầu
nguyện là giờ phải đem hết linh hồn, hết trí khôn mà suy gẫm, chiêm
niệm về Chúa. Người cầu nguyện sốt sắng phải là người quì lâu giờ
trước Nhà Tạm như một pho tượng đá, có bị muỗi đốt cũng không được vỗ!
Ôi! Nếu thế, cầu
nguyện trở thành một hình phạt! Và giờ cầu nguyện trở thành giờ của
trí óc, bóp đầu, nặn trán, tâp trung tư tưởng, bắt trí khôn phải suy
nghĩ những chuyện cao xa chứ không phải là giờ của con tim, của tiếng
lòng thổn thức dâng lên Chúa!
Có người nghĩ
rằng cầu nguyện tức là xin ơn. Bởi thế khi cầu nguyện là xin đủ mọi
thứ, hết mọi ơn: Xin ơn cho ông này bà nọ, cậu ấy cô kia. Càng xin
nhiều càng tốt, vì xin nhiều tức là thương Chúa nhiều, là cầu nguyện
nhiều. Như vậy giờ cầu nguyện cũng là giờ vận dụng trí khôn để nhớ ra,
hoặc nghĩ ra những gì mình có thể xin được! Và cũng là giờ lải nhải kể
lể tràng giang đại hải đủ mọi loại nhu cầu, phần hồn cũng như phần xác;
đủ mọi thứ ơn, thiêng liêng cũng như xác thịt! Ôi, thật tội nghiệp
cho Chúa quá! Cứ phải nghe những lời lảm nhảm vô tâm vô tình ấy! Thật
ra, cũng như tạ ơn, xin ơn chỉ là một phần của cầu nguyện, để nói lên
tấm lòng mình tin cậy và yêu mến Thiên Chúa.
Cha Arupe kể lại
một câu chuyện mà cha đã gặp, khi cha hoạt động mục vụ truyền giáo tại
Nhật Bản:
Có một thiếu nữ
kia, quì gối chăm chú thật lâu giờ, thân thể hầu như bất động trước
Nhà Tạm Chúa. Khi đến thánh đường, cô ta bỏ dép ra đi chân không, và
hình như đã quen từ thủa nhỏ, cô ta đi lướt nhẹ không gây một tiếng
động nào, tiến đến thật gần Nhà Tạm Chúa hết sức có thể được. Rồi với
lòng tôn kính, cô ta phục xuống trước Nhà Tạm, và quì như thế thật lâu,
không nhúc nhích.
Một ngày nọ chúng
tôi gặp nhau khi cô ta bước chân ra khỏi thánh đường. Thế rồi chúng
tôi bắt đầu câu chuyện. Từng chút từng chút một, tôi hướng câu chuyện
về đề tài viếng Chúa Thánh Thể. Rồi tình cờ, buột miệng tôi hỏi cô ta:
- Con cầu xin
những gì mà lâu giờ trước Nhà Tạm thế?”
Tôi nghĩ bụng
chắc sẽ được nghe cô ta trả lời sốt sáng lắm, nhưng không một chút do
dự như đã có ý định trước, cô ta đáp:
- Con có cầu xin
gì đâu!
- Ủa, không cầu
xin gì à?
Rồi từng chút,
từng chút tôi dò hỏi thêm:
- Con không cầu
xin gì? Thế mà có thể quì lâu như thế được trước Nhà Tạm sao?
“Tôi thấy rõ là
những câu hỏi tò mò của tôi làm cho cô ta có vẻ bối rối lắm. Thế rồi
buột miệng như không hề có ý định trước, cô ta đáp:
- Cha hỏi con là,
con làm gì, xin gì trước mặt Chúa Giêsu à? ừ nhỉ, ... con, ... con chỉ
muốn ở bên cạnh Ngài thôi!
- Vâng, tôi hiểu
rồi!
Thế rồi một cách
thầm lặng và từ tốn cô ta ra về. Cứ như những người thiển cẩn xét
đoán thì cô này chẳng có cầu nguyện gì hết. Nhưng thực tế không phải
là cô ta đã không cầu nguyện gì. Là bởi vì, trong ngôn ngữ giới hạn
của mnh, cô ta đã ôm trọn lấy hết thảy mọi chân lý! y là những giây
phút lặng thinh quỳ trước Nhà Tạm Chúa.
Ôi thân tình xiết
bao! Ôi tình thân tha thiết dường nào, chẳng xin mà cũng chẳng muốn
nhận gì! Chỉ ước được ở với Ngài, ở bên cạnh Ngài thôi!
|
|
|
Cầu nguyện trong
thinh lặng để cảm nhận sự hiện diện của Chúa! Để cảm mến tình thương
ngọt ngào bao la nơi sự hiện hữu thân mật của Ngài, là cách cầu nguyện
với sự cảm nghiệm về Thiên Chúa một cách tuyệt diệu! Chắc hẳn chính
bạn cũng đã có những cảm nghiệm này trong kinh nghiệm cụ thể hằng ngày.
Chẳng hạn, khi ta yêu thương ai, đâu có cần phải nói với nhau nhiều,
chỉ cần có nhau, ở bên nhau là đủ! Tuy nhiên nói một cách cụ thể thì
tôi sẽ phải cầu nguyện như thế nào? Thật khó mà trả lời, vì chúng ta
chỉ có thể cầu nguyện theo cách thức như chúng ta muốn. Các thánh và
các nhà tu đức học đã đề nghị nhiều phương pháp cầu nguyện khác nhau.
Có những phương pháp thích hợp với hoàn cảnh này, nhưng lại không
thích hợp với hoàn cảnh khác, hoặc có những phương pháp thích hợp cho
người này nhưng lại không thích hợp cho người kia. Trong “Linh Thao”,
thánh Ignatio thành Loyola đã đề nghị ba phương pháp cầu nguyện như
sau:
1) Cầu nguyện
bằng Ngũ Quan (Nhìn, Nghe, Ngửi, Sờ, Nếm) hoặc bằng ba Năng Lực của
linh hồn (Lý trí, Tâm trí, Ý chí).
2) Cầu nguyện
bằng cách nếm thật sâu từng lời kinh nguyện dâng lên Thiên Chúa.
3) Cầu nguyện
bằng cách phối hợp với khung cảnh xung quanh, với tư thế, và ngay cả
hơi thở của mình khi cầu nguyện.
Về cách cầu
nguyện thứ nhất; chẳng hạn như bạn cầu nguyện giữa cảnh thiên nhiên.
Bạn hãy hòa mình vào khung cảnh đó, hãy nhìn thật kỹ những nhụy vàng
mong manh với những cánh hoa hồng đang chập chờn rung rinh trước gió.
Bạn hãy lắng nhe thiếng chim hót véo von, tiếng rì rào xào xạc của cỏ,
của lá, hãy ngửi kỹ mùi ngai ngái nồng ấm của đất, hương thơm của hoa,
hãy đưa tay sờ búp cỏ mong manh như đang hé nở từ kẽ lá, hãy chú ý
thật kỹ cảm giác khi cánh hoa mơn man trên ngón tay bạn, những lá cỏ
xào xạc cọ vào da thịt bạn. Hãy nếm hạt sương còn đọng trên lá, vị
ngái đắng của lá của cỏ, ... Hãy để cho trái tim bạn rung nhịp với
cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ ấy. Hãy hướng lòng mình về Đấng Hóa Công,
cảm tạ tình thương vô biên của Ngài đã tác tạo và ban cho bạn cảnh
thiên nhiên tuyệt mỹ ấy! ...
Với cách cầu
nguyện thứ hai, hoặc thứ ba: chẳng hạn khi cầu nguyện trong nhà nguyện,
bạn hãy để ánh đèn thật dịu, đừng làm chóa mắt! Hãy nhìn kỹ ánh nến
hồng đang lung linh trước nhà Tạm Chúa, những cành hoa vàng, lá xanh
chưng bày ở đó. Hãy để ý lắng nghe tiếng đập nhẹ nhàng đều đặn của
tim bạn, hãy hít vào thật chậm rãi êm ái và hãy thở ra từ từ nhẹ nhàng.
Hãy chăm chú nhìn lên Nhà Tạm, và thì thầm tâm sự với Chúa: “Chúa ơi!
Hãy nói với con! Cho con nghe đi, tiếng của Ngài! Hãy đến với con đi,
cho con nghe được tiếng bước chân Ngài, ...” Hoặc bạn hãy đọc thật
chậm rãi những lời kinh nguyện truyền thống của giáo hội như kinh Lạy
Cha, Kính Mừng, Sáng Danh ... hoặc đọc những kinh mà bạn thích, hay
bạn đã sáng tác ra. Hãy cảm nếm thật sâu ý nghĩa từng lời kinh chứa
đựng trong đó. Chẳng hạn khi hướng lòng về Chúa bạn nói: “ Lạy Cha
chúng con ở trên trời , ...”, hãy cảm nhận sự thân mật tuyệt diệu giữa
linh hồn bạn với Đấng Tối Cao, như đứa con nhỏ bé đối với cha của mình
vậy!
Theo phương pháp
này, cầu nguyện bằng cách đọc và suy niệm Thánh Kinh cũng thế. Bạn sẽ
dùng cả ngũ quan, ba quan năng của linh hồn, và tự đặt mình vào trong
bối cảnh đó. Chẳng hạn khi suy niệm và cầu nguyện theo một đoạn Phúc
Âm thì câu chuyện của đoạn Phúc Âm đó không phải giống như một đoạn
phim diễn ra trong trí bạn, lại càng không phải hiện ra trước mắt bạn
như khi bạn một chương trình trên đài truyền hình! Bạn phải tự đặt
mình vào trong bối cảnh đó, là một nhân vật trong đó, đang nhìn, nghe
và cảm thấy như thật sự mình đang hiện diện ở đó. Chẳng hạn như đoạn
Phúc Âm “Người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang” (Gioan 8:1-11) Bạn
có thể là một người trong đám đông những người đang bực tức kết án
người phụ nữ ấy; bạn có thể là chính người phụ nữ đó; hay bạn là một
trong các môn đệ Chúa đang chứng kiến việc đó. Bạn đang chăm chú theo
dõi gì? ... Ánh mắt, cử chỉ, giọng nói, thái độ, ... của Chúa lúc đó.
Bạn cảm thấy gì? Câu nào trong Phúc Âm, hay Lời Nói nào của Chúa làm
bạn xúc động, hãy dừng lại đó và cảm nếm thật sâu, ... Hãy xin Chúa
dạy dỗ bạn về điều đó.
Đó là những cách
cầu nguyện thông thường mà chúng ta hay áp dụng trong các khóa cấm
phòng Linh Thao. Có lẽ bạn thầm nghĩ, những phương cách cầu nguyện
trên nay chỉ thích hợp cho các tu sĩ vào các giờ nguyện ngắm, hoặc cho
chính bạn trong các khóa cấm phòng, hay vào những ngày có nhiều thì
giờ rảnh rỗi! Thật ra không phải thế! Nếu chúng ta quen với phương
thức này, chúng ta biết cách thích ứng nó, và có thể cầu nguyện bất cứ
lúc nào và bất cứ nơi nào. Chẳng hạn khi lái xe đến sở, bạn hãy nhìn
kỹ con đường mình đang đi với phố xá, nhà cửa, xe cộ, ... bạn hãy
hướng lòng cảm ơn Chúa đã cho bạn sức khỏe, có việc làm! Rồi bạn hãy
nghĩ đến những người nghèo đói, tật nguyền, bệnh tật. Hãy nhớ lại Lời
Chúa nói về họ, về sự hiện diện đặc biệt của Chúa nơi họ, ... và bạn
hãy xin Chúa chúc lành ủi an họ. Khi làm việc bạn hãy chăm chú với
công việc của mình, khi ăn bạn hãy tận hưởng hương vị của thức ăn và
cảm nhận tình thương của Chúa đang có đối với bạn! ... Như thế bạn sẽ
cảm thấy sự cầu nguyện quyện lấy tâm hồn chúng ta, như chúng ta cảm
thấy mình đang sống với nhịp đập của tim, với hơi thở của mình.
Tuy nhiên, bạn
cũng nên dành những giây phút hồi tâm trong ngày để đặc biệt hướng
lòng cầu nguyện với Thiên Chúa. Đừng quá lo lắng về những lúc cầu
nguyện như thế! Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã có một cách thức
như sau về những lúc cầu nguyện như vậy! Người nói: “Tôi yêu mến Chúa,
ngay cả khi tôi ngủ.” Người tâm sự rằng: “Tôi thích một tấm hình kia,
vẽ một thiên thần đang thiếp ngủ ngồi tự kề bên Nhà Tạm Chúa. Vâng,
khi tôi ngủ tôi cũng yêu mến Chúa!” Những ai đọc kỹ về đời sống thánh
nữ Têrêxa, thì nhận ra ngay rằng thánh nữ hay ngủ gật trong giờ nguyện
kinh buổi sáng, và thỉnh thoảng chia trí lo ra trong lúc cầu nguyện!
Nhưng Têrêxa nói: “Những ai làm cho tôi chia trí trong giờ nguyện gẫm,
thì người ấy được lợi. Vì tôi dâng ngay người ấy cho Chúa, và xin
Chúa chúc phúc, ban ơn lành cho họ.” Têrêxa không buồn, không giận
mình vì đã yếu đuối ngủ gật, chia trí trong giờ cầu nguyện. Nhưng
người tin tưởng vào tình yêu của Chúa, và dâng cho Chúa với lòng yêu
mến ngay cả trong những việc như thế. Nối kết với Chúa trong mọi giây
phút của đời sống mới thật là điều quan trọng!
Chúng ta cũng cần
cầu nguyện chung trong gia đình, để gia đình thật sự trở thành một tổ
ấm có Chúa hiện diện. Cầu nguyện chung trong gia đình cũng để nói lên
rằng: Tình yêu của Thiên Chúa ba Ngôi, vì tình yêu ấy đã được biểu lộ
nơi Thánh Tâm Chúa Kitô phải là trung tâm điểm đời sống của gia đình.
Khi cầu nguyện trong gia đình, chúng ta cần phải cố gắng diễn tả điều
ấy. Như thế giờ cầu nguyện không phải là lúc đọc tràng giang đại hải
nhiều loại kinh khác nhau được ghi trong sách kinh nguyện. Xin được
đề nghị với bạn một phương thức như sau: Khởi đầu, nếu có thể gia đình
bạn nên hát một bài để đem lại bầu khí vui tươi cho buổi cầu nguyện.
Sau đó, đọc một đoạn Phúc Âm ngắn, rồi dành một vài phút trầm tư, để
mọi người chú tâm nghe Chúa dạy dỗ. Rồi dâng lên Chúa những lời
nguyện. Lời nguyện ấy có thể là nói với Chúa những gì đã xảy ra trong
ngày, hoặc cầu nguyện cho nhau hay cho bạn bè và những người thân
thuộc của gia đình. Lời nguyện nên hết sức đơn sơ và tự do bộc phát
theo ý riêng của mỗi người. Sau lời nguyện cùng nhau đọc một hai kinh
nguyện mà gia đình bạn thích để tóm kết tất cả những ý cầu nguyện ấy
dâng lên Chúa. Sau hết, bạn có thể kết thúc buổi cầu nguyện bằng một
bài hát, ... Các linh mục, mục sư đã lâu năm phụ trách hướng dẫn về
Đời Sống Gia Đình làm chứng rằng: Cầu nguyện chung trong gia đình đem
lại yêu thương, tha thứ và hạnh phúc trong gia đình. Đó là một sự
thật không ai chối cãi được! Có thể nói cầu nguyện trong gia đình là
chìa khóa mở kho tàng hạnh phúc cho gia đình vậy.
Gia đình công
giáo Việt Nam chúng ta cũng thường có thói quen cầu nguyện với Đức Mẹ
và các thánh. Đó là một thói quen tốt, đặc biệt là cầu nguyện với Đức
Mẹ. Nơi Đức Mẹ, chúng ta thấy tỏ hiện một tình thương dịu dàng, đầy
ân cần và thân ái. Đức Mẹ thật là Đấng Phù Giúp và là Đấng Bảo Trợ
tuyệt hảo của các gia đình công giáo. Đức Mẹ gần gũi Chúa, hiểu tình
thương của Chúa hơn tất cả mọi người. Mẹ sẽ giúp đỡ mỗi người chúng
ta học biết Chúa là ai, và hiểu Tình Thương của Ngài là gì? Đó là sứ
mạng đặc biệt của Đức Mẹ! Và không có gì làm Đức Mẹ vui lòng hơn, là
xin Người giúp chúng ta và ban cho chúng ta những ơn ấy! Chúng ta
thường xin Ơn Chúa qua bàn tay của Đức Mẹ, nhưng đừng quên rằng Thiên
Chúa Ba Ngôi và Tình Thương vô tận của Ngài là trung tâm lòng tôn thờ,
và tất cả mọi tâm tình tôn giáo của chúng ta.
Nói tóm lại cầu
nguyện là hơi thở của con tim, là tiếng lòng thổn thức của con người
hướng về Đấng Tối Cao. Nhiều kiểu nói khác nhau như: cầu nguyện là
Tâm Sự với Chúa, là Lắng Nghe tiếng Chúa nói, là Mở Lòng ra cho Ngài.
Tất cả đều nói lên một điều là: Cầu nguyện là sự khắc khoải của con
tim tạo vật hướng về Đấng Tạo Hóa. Như thế sự cầu nguyện cần thiết
cho linh hồn, như hơi thở cần thiết cho sự sống. Có thể nói rằng Cầu
Nguyện là hơi thở của hồn con người.
Thánh AnPhongSô,
Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, đã nhắc đi nhắc lại câu nói này trong
một tác phẩm bất hủ của người nói về sự cầu nguyện: “ Ai cầu nguyện
chắc chắn sẽ được cứu, ai không cầu nguyện chắc chắn sẽ hư mất.” Cầu
nguyện là hô hấp hơi thở của Chúa Thánh Linh. Như nhành nho đang hấp
thụ nhựa sống từ thân cây nho, sự cầu nguyện là sự hấp thụ lấy mạch
sống sinh động tuôn tràn nơi Thiên Chúa.
Như chiếc máy
truyền hình cần phải có giòng điện mới phát hình được, con người cần
phải có sự sống của Thiên Chúa nơi mình, mới có thể sống và sinh động
được. Biết cầu nguyện chính là biết ý thức về điều ấy để mở lòng đón
lấy mạch sống linh động, chan hòa tình thương, mà Thiên Chúa đang muốn
tuôn đổ tràn trào xuống mỗi người chúng ta vậy.
Lm Hoàng Tiến
Đoàn, S.J.
|
|