ĐH 2004.01 | Sent to the World, Members of One Body

 

Trang chính Bao DH 2004 2004-01
.

Thời Gian Của Hồng Phúc

Nguyễn Ngọc Thế SJ

 
 

Trên mảnh đất của quê hương tươi tốt, những luống rau thơm đang đua nhau tách đất để “vươn vai” đi vào cuộc đời.  Chúng tôi đứng nhìn những mầm sống mới trên mảnh đất tốt mà lòng cảm thấy vui biết chừng nào, niềm vui về một sự sống mới chào đời.  Thật vậy, mỗi sự sống mới đánh dấu một thời gian của hồng phúc và thời gian của niềm vui.

Nhưng giữa những niềm vui, chúng tôi lại cảm được một nỗi âu lo.  Cái lo âu về những nhánh cỏ đầy gai đang âm thầm đi vào mảnh đất tốt tươi, đang nhâm nha giành đất với rau thơm của cuộc đời, và như muốn che đậy đi những mầm sống mới, làm dập tắt những nụ cười và niềm vui tươi mát.  Vì vậy, chúng tôi đã ngồi xuống và thật chăm chú nhặt đi những cỏ dại ra khỏi cuộc đời.  Vâng, thời gian của niềm vui và thời gian của hồng phúc cần được gìn giữ và cần phải trở về.  Cuộc đời cần có những nụ cười để làm tươi mát bao tâm hồn.

Chúng tôi làm cỏ cho cuộc đời như chính Đức Kitô đã làm và vẫn tiếp tục làm, vì Ngài không muốn mất đi niềm vui của sự sống, không muốn cỏ dại lấn đất và làm chủ thời gian.  Từ chính trái tim đầy yêu thương, Đức Kitô đã tuyên bố rằng, Ngài đến để không chỉ rao truyền một năm hồng ân, thời gian của hồng phúc, mà Ngài còn loan báo cho người nghèo một Tin Mừng, một tin vui của mùa Xuân mới, và giải thoát người tù nhân ra khỏi gông cùm, như là những cỏ đầy gai đang trói chặt họ trong tội lỗi, trong khổ đau.  Với những anh chị em đang bị nhấn chìm trong đui mù và đêm đen, Đức Kitô muốn đem đến một tin vui.  Đó là ánh sáng cần chiếu soi cho sự sống, và nắng ấm cần có để làm rau thơm, thơm ngát hơn cho đời.

Lời Đức Kitô văng vẳng như tiếng loa rộn rã reo tin mừng.  Con người và cuộc đời mừng hơn nữa, khi thấy Đức Kitô không chỉ công bố sứ điệp mừng vui, mà Ngài còn sống sứ điệp ấy giữa lòng cuộc đời. Kìa, vào một buổi chiều Đức Kitô đang cùng quây quần với mọi người trong hội đường, giữa bầu khí thân mật đó bỗng chợt có tiếng la ầm ĩ.  Cái ầm ĩ của một thần dữ đang hành hạ một người, gần giống như cỏ dại đang âm thầm lấn đất rau thơm.  Đức Kitô sẽ làm gì để tiếng ầm ĩ kia im tiếng và để lòng người đỡ khổ đau? Thật đơn sơ nhưng đầy cương quyết, Ngài đã lên tiếng: “Câm đi và hãy xuất khỏi người này!” Vâng, sứ điệp Tin Mừng cũng có khi phải mạnh mẽ và cương nghị lắm!

Thần dữ dù dữ dằn đến đâu cũng phải quy phục.  Nó đã lay mạnh con người và thét lên một tiếng kêu dễ sợ.  Tiếng thét như muốn chứng minh sự ác độc và quyền bá của thế giới đêm đen, nhưng thực tế tiếng thét đó là tiếng thét tận cùng của ác độc gây khổ đau.  Giờ đây với sự giải thoát của Đức Kitô, con người lại đứng lên và nhảy nhót để mừng vui, vì thời gian của hồng phúc, thời gian của niềm vui lại đến với anh ta.

Niềm vui và hồng phúc của Đức Kitô trở thành một món quà quý báu mà mọi người và mỗi người cần đến, đặc biệt là những anh chị em bất hạnh.  Vì vậy, từ khắp bốn phương, từ mọi làng mạc, bao người đã chạy đến với Ngài.  Tất cả đều ước ao được rờ tới Ngài.  Kìa trên con đường của cuộc đời, Ngài đang đi và bao người bước theo.  Mọi người chen chúc nhau để làm sao được đến gần Ngài nhất.  Ai ai cũng “đói tình yêu”, ai ai cũng muốn “về lại” với thời gian của niềm vui, thời gian của hồng phúc.  Vâng, người phụ nữ kia đã bao năm trời đau khổ với bệnh tật của mình, tất cả các thầy lang đều lắc đầu.  Mỗi cái lắc đầu bất lực đó lại nhấn bà sâu xuống vực thẳm của đau đớn, đem bà vào trong thời gian của khổ đau.  “Đến bao giờ nụ cười lại đến thăm tôi và làm bạn với tôi? Khi nào cuộc đời sẽ lại tô điểm cho tôi màu hồng đem lại hạnh phúc, thay cho màu đen u ám và giá buốt?” Thất vọng càng sâu bao nhiêu, thì khát vọng sống càng lớn bấy nhiêu.  Vì vậy, bà đã hùa theo đám đông để chen chúc, vì bà hy vọng sẽ đụng được tới Ngài, dù chỉ là đụng tới gấu áo cũng đủ, để thời gian của niềm vui và thời gian của hồng phúc “gõ cửa” nhà bà.  Thật vậy, cái giây phút quyết định đã tới dù đó chỉ là giây phút ngắn ngủi.  Giây phút này giờ đây trở thành một dấu ấn tuyệt vời, dấu ấn của tình yêu, dấu ấn của thời gian mà niềm vui và hồng phúc lại được “đâm chồi nẩy lộc.”  Giờ đây, từ giây phút “rờ tới gấu áo”, bà như được sống lại sau bao ngày khổ đau, bà đã vui mừng và có lẽ cả đám đông cùng mừng vui với bà.

Cũng hy vọng có được niềm vui như người phụ nữ trên, nên một vài người đang cặm cụi gỡ những mái ngói trên trần nhà nơi Đức Kitô đang ngồi, hơn nữa lối vào đã bị bịt kín bởi bao con người khác.  Từ từ họ thả xuống trước mặt Ngài một người bại liệt nằm trên chõng.  Đức Kitô sẽ phản ứng thế nào? Thật dịu dàng Ngài đã nói: “Anh hãy chỗi dậy và vác chõng mà về!” Tin Mừng cứu độ đã làm cho cả đôi chân tưởng như đã chết teo, giờ đây lại từ từ cựa quậy, và gân cốt tưởng như cứng đơ, bây giờ cũng “vâng lời” co giãn.  Thật hớn hở và mừng vui, người bại liệt đã đứng lên và vâng lời Đức Kitô vác chõng lên đường.  Trên đường anh đã chỉ cho mọi người thấy, giờ đây trên vai anh là một cái chõng chứ không phải trên cái chõng là anh.  Nhìn anh tôi thấy thật vui, nhưng tôi cũng tự hỏi mình tại sao anh lại phải vác cái chõng kia để làm gì nữa? Hay nói khác đi, tại sao Đức Kitô lại không nói với anh rằng: “Hãy quăng cái chõng kia và đứng lên đi về!” mà lại nói anh vác lấy cái chõng mà về?

Phải chăng cái chõng kia không chỉ anh cần tới mà biết bao người cũng đang cần đến? Và phải chăng niềm vui anh nhận không được giữ cho riêng mình, mà cần phải lên đường để cùng với Đức Kitô “đem chõng chất chứa niềm vui” đến cho từng mái nhà, cho từng tâm hồn?

Đúng vậy, tinh thần của Đức Kitô cần được sống và được “vươn dài.”  Ý thức sống tinh thần đó mà hôm nay một số anh chị em, cả linh mục, tu sĩ và giáo dân, đã cùng nhau, người thì gánh chõng, người thì tháo mấy viên gạch ngói, người thì thòng dây đưa chõng xuống trước mặt Đức Kitô, và tất cả hiệp lực để “đem chõng”, đem Tin Mừng hồng phúc đến cho những người bất hạnh.  Nhờ vậy mà người bạn trẻ đang cùng tôi nhặt cỏ ra khỏi luống rau thơm kia giờ đây thật hớn hở vui mừng. Bạn ấy, một cô gái dân tộc mà bao người có lần nhìn như là “một người mọi rợ” khờ khạo, và ở một làng mạc nghèo nàn mà người ta thường nói đó là nơi “khỉ ho cò gáy”, trước đây là một cô gái mồ côi, nghèo nàn và mù chữ.  Em đã được các tu sĩ đến bản làng thăm, sau đó được đưa về thành phố để dạy cho biết đọc, biết viết.  Và cùng với các bạn dân tộc khác, em đã được học nghề may.  Hơn nữa, em còn được sống trong một mái nhà, một tổ ấm yêu thương.

Công việc nhặt cỏ của chúng tôi tiếp tục và chúng tôi cũng tâm tình với nhau.  Thật đơn sơ tôi hỏi em: “Em cảm thấy đời sống trong cộng đoàn này như thế nào?” Em trả lời rằng: “Em cảm thấy vui lắm, vì ở nơi đây em được giải thoát khỏi cái nghèo, em được phát triển và hiểu biết hơn và còn được học một cái nghề nữa chứ.  Đặc biệt ở nơi đây em được làm quen với Tin Mừng của Chúa, được gặp gỡ chính khuôn mặt yêu thương và đón nhận bàn tay dịu dàng của Chúa.  Trong suốt thời gian gần sáu tháng em đã được học cầu nguyện, học chia sẻ lời Chúa, cũng như học và cảm được ơn cứu độ của Chúa trong lịch sử loài người và lịch sử đời em.  Có điều là phải sống xa bản làng, thì hơi buồn một chút.”  Nghe lời em tâm sự mà lòng tôi vui lắm, vì biết bao cọng cỏ đã được nhổ khỏi mảnh đất đời em, như đống cỏ dại mà chúng tôi vừa nhổ ra khỏi luống rau thơm này.  Tuyệt vời! Nhưng kìa, chúng tôi gặp một cành cỏ dại dai ngắt và đang nhâm nhe len lỏi khắp mọi nơi.  Tôi đưa tay để kéo lên mà chẳng thấy nhúc nhích gì? Dù vậy, tôi không muốn cắt bỏ ngang, vì chẳng ích lợi chi.  Rễ mà còn thì cỏ lại lớn và càng “tức tối” lớn hơn.  Cây cỏ dai này lì lợm ở trong tay tôi phải chăng như muốn cùng tôi đi vào câu chuyện của cô bé dân tộc kia? Vâng, dừng tay cô tâm sự tiếp: “Anh ơi, em muốn nói với anh một điều.” Em cứ nói! “ “Em có một ước mơ trong cuộc đời.  Đó là em muốn xây dựng một mái ấm gia đình, nhưng em không thể, vì em không có con trâu để lấy chồng. Mẹ em đã qua đời, cha em thì bỏ nhà đi lâu rồi, giờ em sống với bà ngoại.  Mà bà em thì rất nghèo, nên chẳng biết kiếm đâu ra con trâu.”  Nghe đến đây tôi không thể buông rơi cọng cỏ dai trong tay ra, và cũng chẳng biết phải làm thế nào để nhặt cọng cỏ dại ra khỏi cuộc đời của em.  Tôi nhìn em với tất cả sự cảm thông, nhưng lòng tôi nặng trĩu một nỗi buồn.  Dù vậy, tôi chỉ biết nói với em rằng: “Anh sẽ cầu nguyện cho em.”

Trời đã về chiều, mảnh đất tốt tươi cũng đã vơi bóng cỏ dại, chúng tôi dừng tay và ra về.  Sau đó vài ngày, tôi phải rời khỏi tổ ấm yêu thương để tiếp tục con đường của mình.  Giờ phút chia tay tôi thấy lòng mình xao xuyến quá.  Đến chào tạm biệt mọi người tôi thấy bịn rịn thế nào ấy.  Gặp em gái dân tộc kia, tôi chào em và em chào tôi thật chân thành.  Chúng tôi cám ơn nhau về những ngày thật đẹp ở tổ ấm yêu thương này.  Bắt tay em, tôi ra đi nhưng sao lòng tôi vẫn áy náy và âu lo.  Cái âu lo làm tôi tự hỏi mình rằng: “Đến bao giờ và làm thế nào em có thể kiếm được một con trâu?”

Tưởng rằng câu chuyện của em đã kết thúc đối với tôi, nhưng sau đó ba năm, khi có dịp về lại quê hương, bất ngờ có cơ hội một Thầy đưa tôi vào trong một bản làng dân tộc xa xăm, để cùng sống ngày Chúa Nhật.  Đi vào cánh rừng cao su, xe Hon-da chúng tôi bon bon chạy, và bao bụi đất đỏ đua nhau “nhảy múa” đàng sau như đón chào chúng tôi, hay như muốn báo trước cho chúng tôi một tin mừng sắp đến? Chẳng biết nữa.  Vượt qua cánh rừng, từ đàng xa xuất hiện những mái nhà tranh đơn sơ và nghèo nàn.  Càng đến gần làng, thì những bóng người càng làm cho lòng tôi rạo rực. Khi xe tắt máy và dừng bánh, thì một số người liền chạy ra nở nụ cười ngày Chúa Nhật và chào Thầy đi chung: “Chúng con chào Bố!” Tôi ngẩn người ra và chẳng hiểu gì, sau đó tôi khám phá ra rằng, ở đây ai ai cũng quý mến ông Thầy này và coi ông là bố, vì ông đã đưa Chúa đến cho họ và giúp họ biết bao nhiêu điều.  Theo Bố tôi bước xuống xe, thì bất ngờ có một giọng nữ vang lên: “Chào anh!” Tôi ngạc nhiên quay nhìn lại và gặp một khuôn mặt quen quen. “Anh có nhớ em không?” “Nhớ chứ, Châu đó phải không?” “Đúng rồi! À, anh ơi, em đã lập gia đình rồi.” Tôi nghe mà lòng rạo rực mừng vui.  Nhưng vì phải vào dự giờ phụng vụ Lời Chúa với bà con bản làng, nên chưa hỏi thăm Châu được.  Sau giờ cầu nguyện, Châu dẫn tôi về túp lều đơn sơ của Châu và giới thiệu cho tôi người chồng và đứa con mới vài tháng tuổi của mình.  Nhìn Châu với một mái ấm gia đình mà tôi cảm nhận rằng thời gian của hồng phúc, thời gian của niềm vui đã trở về với Châu thật rồi.  Thật vậy, cành cỏ dại dai dằng của ba năm trước đây giờ đã bị nhổ tận gốc.  Châu hôm nay đã kiếm được con trâu cần có.  Cảm tạ Chúa biết bao và với tất cả tấm lòng tôi chúc mừng Châu, người bạn đời của Châu và em bé nhỏ xinh xắn đang nằm trong nôi - một sự sống mới làm ấm áp lòng người, làm cuộc đời rạo rực niềm vui.

Hôm nay, ngồi viết những hàng này, tôi vẫn còn mượng tượng được ngày Chúa Nhật hồng phúc và mừng vui gặp Châu ở bản làng.  Niềm vui đó giờ đây không chỉ là niềm vui của Châu và gia đình , mà còn trở thành của tôi và của tất cả mọi người, vì niềm vui này đến từ chính Chúa, Đấng là chủ của thời gian và là chủ của sự sống.

Niềm vui đó như một mùa Xuân mới làm rạo rực lòng người.  Xuân về lòng ai lại không náo nức chờ mong.  Đặc biệt những tù nhân mong ngóng nhiều hơn ai hết một mùa Xuân đem lại nụ cười.  Vâng, tôi đã nhìn thấy bao nụ cười tươi nở rộ trên khuôn mặt của những tù nhân, khi Xuân mới đến “chào” lòng người.  Mùng hai tết xuân Giáp Thân chúng tôi, những người Việt xa quê, đã khăn gói bánh chưng, hạt dưa, các loại mức, lư hương và những bó nhang, cả những câu lộc đầu năm và vào nhà tù Tegel - Berlin ăn tết.  Sau khi được quản giám đưa qua những song cửa sắt, chúng tôi đến một căn phòng rộng giành cho hơn 50 người.  Chúng tôi vội vàng chuẩn bị bàn thờ tổ tiên, xếp bàn ghế và đặt bánh chưng cùng mọi thứ lên bàn.  Vài phút sau, các tù nhân - những anh em đồng hương đến, có những tù nhân còn đưa tới cả xôi, chả giò, chè và bánh ngọt.  Dù hơi sờ sợ, nhưng tay bắt mặt mừng, chúng tôi chào đón nhau và chúc nhau câu chúc đầu xuân.  Khi tất cả 44 tù nhân tề tựu, chúng tôi bắt đầu buổi tân niên với những hương vị của quê hương ngay trong những song sắt ở quê người. Sau khi tâm tình những câu chuyện đầu xuân, chúng tôi cùng nhau hướng về bàn thờ tổ tiên để tưởng nhớ, và theo làn khói của những cây nhang, chúng tôi hướng nhìn lên cao và xin Trời Phật phù hộ cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ và anh chị em cùng những người thân của mình.  “Công Cha như núi Thái Sơn, Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”  Câu ca dao của quê mình hôm nay đã đến với quê người, đã vào cả pháo đài ngục thất, để bao trái tim Việt Nam, dù nghèo hay giàu, dù tốt lành hay có tội, vào những ngày đầu năm vẫn chân thành nhìn về tổ tiên, ong bà, cha mẹ và gia đình dấu yêu. Những trái tim yêu thương đã hội ngộ, khi tình yêu đến thì tất cả tội lỗi bị xóa tan, để lòng người rạo rực đón mùa xuân mới.  Một mùa xuân đem lại thời gian của hồng phúc, thời gian của niềm vui.

Trong số 44 khuôn mặt trẻ đang ngồi ở đây, tôi thấy có một anh chàng khoảng ngoài 30 có một thái độ rất lạ lẫm.  Mỗi lần ai vừa hát xong một bài giúp vui, thì tất cả đều cười tươi và la lên khen lấy khen để, còn khuôn mặt anh ta bộc lộ một nét buồn, và anh như vẫn muốn ở lại trong vỏ ốc của mình.  Thấy thế, tôi đổi ghế và lò mò đến ngồi đối diện anh.  Tôi chào anh và anh chào tôi.  Anh mời tôi miếng bánh ngọt.  Tôi cám ơn và ăn thật ngon miệng.  Hỏi ra, thì biết bánh ngọt này do anh tự làm lấy.  Miếng bánh ngọt ngon lành trong miệng như muốn nói với tôi rằng: “Sau này, nếu được tự do anh tù này có thể mở tiệm bánh ngọt được rồi!”  Tôi khen anh làm bánh rất ngon.  Anh mỉm cười và cám ơn.  Câu chuyện đầu xuân của chúng tôi bắt đầu từ cái bánh ngọt này đây.  Sau đó, tôi hỏi anh về đời sống trong tù thế nào.  Anh bắt đầu kể cho tôi nghe những sinh hoạt thường ngày. Buổi sáng anh dậy sớm, ăn sáng và sau đó quản giám đưa anh đi làm.  Sau công việc ở nhà bếp, anh ăn trưa cùng vài người bạn tù và cả buổi chiều anh có giờ rảnh rỗi.  Vì vậy, để đốt thời gian và để đỡ phải nghĩ ngợi lung tung, anh đã quyết định tập tạ, tập fitness đều đặn.  Nên anh là một tù nhân rất đô con và khỏe mạnh.  Nhưng anh sẽ đốt thời gian cho đến khi nào? Chẳng ai có thể trả lời cho anh được. Vâng, anh kể rằng anh là người tù chung thân.  Đã ở tù được 7 năm rồi.  Trước đây là người khác đạo, từ ngày lấy vợ anh trở thành người công giáo.  Vợ chồng anh có một con.  Nhưng bây giờ, vợ anh đã bỏ anh và lấy chồng khác.  Còn con anh thì đã mấy năm rồi chẳng nhìn thấy mặt nó.  Nghe anh kể mà tôi thấy lòng mình ấm ức làm sao ấy.  Còn nguyên nhân làm anh trở thành người tù chung thân, tôi không dám hỏi và cũng không nên hỏi làm gì.  Sau đó anh cũng tiết lộ rằng, anh còn mẹ và hai em gái ở quê nhà.  Đó là những người thân duy nhất đón nhận anh với quá khứ của anh. Anh vẫn được phép viết thư thường xuyên mỗi tháng về nhà cho mẹ và hai em.  Đáp lại, em gái anh cứ ba tuần một lần viết cho anh một lá thư.  Anh kể tới đây tôi thấy nơi anh một sự nghẹn ngào chan chứa niềm vui về tình mẹ dành cho mình, tình huynh đệ anh có với em.  Những mối tình gia đình này không chỉ chấp nhận và quên đi quá khứ của anh, mà hiện tại còn giữ anh lại với cuộc sống, đem đến cho anh niềm hy vọng, và thúc đẩy anh ý thức sống vươn lên cho ngày mai.  Thật quý báu biết bao! Dù thế nào đi nữa, những hồng phúc và niềm vui vẫn còn hiện diện và sống động nơi chính người tù chung thân này.  Khi đã kể đôi chút về đời mình, anh hỏi tôi về đời sống của của tôi. Tôi kể anh nghe chút về những bước tôi đi trên đất khách quê người, những vất vả, những âu lo và cả những cố gắng vươn lên để sống trong công việc và học hành.  Trên đường tôi đi, Chúa và nhiều người đã dẫn dắt tôi, để ngày hôm nay Chúa làm tôi trở thành một người linh mục cho Chúa, cho Giáo Hội và cho mọi người.  Khi đã trò chuyện với nhau, chúng tôi tò mò hỏi tuổi nhau và khám phá ra một điều là, chúng tôi cùng một tuổi.  Nhưng đến đây thì anh nói tiếp: “Con và cha cùng tuổi, nhưng đường đời của mỗi người ở đất khách quê người này lại khác.  Hôm nay, con thì như vầy, còn cha thì được như thế.” Tôi nghe mà chẳng biết phải đáp lời thế nào, chỉ biết nói với anh rằng: “Dù thế nào, thì điều quan trọng là anh và tôi luôn có khao khát để sống vươn lên.  Đó là một trong những điều căn bản cho cuộc đời.” Anh nhìn tôi và mỉm cười.  Vâng, sức sống vươn lên của anh và của tôi thật cần thiết biết bao.  Sức sống đó tôi đọc được nơi anh qua những cố gắng làm lại cuộc đời của mình trong tù, qua việc chăm sóc chính thân xác và tinh thần mình, qua việc gìn giữ và phát triển tình mẫu tử và tình đệ huynh, qua chính cái bánh ngọt anh làm để đãi anh em bạn tù đồng hương và đãi cả chúng tôi.  Cái bánh ngọt ngon miệng của anh làm không chỉ đưa lại cho chúng tôi niềm vui của mùa xuân mới.  Mà đó còn chính là hồng phúc anh trao cho chúng tôi.

Khi chia tay ra về, tôi đã chân thành cám ơn anh và thật chân tình tôi nói với anh rằng, tôi sẽ cầu nguyện đặc biệt cho anh.  Tôi hy vọng một ngày nào đó, với thiện chí vươn lên của mình, anh sẽ đón nhận được lòng nhân hậu, và mong sao chúng tôi sẽ gặp nhau bên ngoài ngục thất, để cùng chia một miếng bánh ngọt của Thiên Chúa, của tình người với nhau.

Để kết thúc những tâm tình trên, tôi mời và xin Bạn, khi đọc xong bài chia sẻ này, đừng vội đứng lên đi ngay, mà cùng hiệp lời với tôi đọc lên một lời kinh Kính Mừng cầu cho anh tù chung thân này nhé! “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà cùng phúc lạ.  Thánh Maria - Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.”

 

“Nguyện xin Thiên Chúa từ nhân, ban lại cho anh bạn tù chung thân thời gian của hồng phúc, thời gian của niềm vui.”

 

Những ngày đầu Xuân Giáp Thân - 2004 ở quê người.
Tu viện Meschede - Đức Quốc.

Nguyễn Ngọc Thế SJ