ĐH 2003.03 | Họp Mặt Vùng Đông Bắc

 

Trang chính Bao DH 2003 2003-03
.

Khoá Tĩnh Tâm tại Philadelphia

.

 
 

Bản Đúc kết Khoá Tĩnh Tâm ba ngày tại Philadelphia 27-28-29 June 2003 do Cha Elizalde Phạm Công Thành hướng dẫn

 Sau  ba ngày cha Thành huấn đức và giúp hiểu các đọan Kinh Thánh:  Rm 8,14-17 ;  Lc 10,25-37 ;  Ga 8,1-11 ;  Lc 10,38-42 ;  Lc 1,26-39 ;  Lc 4,14-30 ;  Mt 5,1-10 ;   Lc 1,26-39 ;  Cor 1,21-24 ;  Lc 24,13-35 ;  cha đề nghị các khoá viên chia sẻ hai điều sau đây:

1.  Tôi đã HIỂU BIẾT thêm được điều gì sau ba ngày học hỏi Phúc Âm và cầu nguyện?

Về Chúa   -   Về chính tôi   -   Về cầu nguyện   -   Về đức tin căn bản   -   Về những điều hay, lạ   -   Không có gì cả (vì toàn là những điều tôi đã biết).

2.  Tôi đã THAY ĐỔI ra sao?

Điều này quý hơn, có tính cách riêng tư hơn, có sự cam kết với Chúa hơn nên có thể không cần chia sẻ nếu không muốn, nhưng cha xin mọi người nên ghi nhận lại những thay đổi cá nhân này trong nhật ký thiêng liêng và nên xem đi xem lại để nhắc mình về những cam kết mình đã có với Chúa, nhờ vậy tình yêu nồng cháy với Chúa trong những ngày tĩnh tâm sẽ được hâm nóng luôn luôn.

Sau tất cả những chia sẻ của từng người thì có những điểm sau đây được ghi nhận chung:

1.  Đa số những đoạn Kinh Thánh cha dùng cho Khoá này khác với những đoạn Kinh Thánh mà mọi người được hướng dẫn trong những khoá tĩnh tâm khác.  Điều này giúp cho việc học hỏi được nhiều cái mới lạ và thú vị.

2.  Hiểu rõ hơn việc cộng tác với Chúa (Lc 10,38-42), dấn thân phục vụ nhiệt tình, hết lòng, hết khả năng nhưng cần xếp đặt thời giờ để ngồi lại nghe Chúa, suy niệm Kinh Thánh mỗi ngày để nuôi nội tâm.

Hiểu rõ hơn phải biết lắng nghe Chúa trong mọi việc hằng ngày, kiên nhẫn hơn khi chờ đợi Chúa trả lời trong nội tâm thinh lặng để biết phải làm gì chứ không như một đứa bé chỉ đến với cha mẹ khi có việc cần.

3.  Biết rõ hơn mục đích của cuộc sống (Rm 8,14-17 ; Lc 10,25-37)

4. Biết được kho tàng rất quý mà từ trước tới nay chưa gặp, đó là Tám Mối Phúc Thật (Mt 5,1-10). 

Biết được Tám Mối Phúc Thật là chương trình của Chúa uốn nắn con người nhằm mục đích biến đổi thế giới theo ý muốn của Chúa.

Hiểu lên núi để nghe lời Chúa, để theo Chúa là có một tinh thần tích cực theo chương trình của Ngài, khác với xuống biển là nơi tiêu cực hơn (có bão tố). 

Thấy rõ hơn mình được mời gọi sống theo đường lối của Chúa qua Tám Mối Phúc Thật.         

Qua phân tích cặn kẽ của cha, hiểu rõ hơn Lời Chúa qua Tám Mối Phúc Thật khác với lối suy nghĩ nông cạn cũ, thấy cần xét mình theo 8MPT vì Tám Mối Phúc Thật là một cam kết có tự do để được phúc làm con Chúa không giống với cách xét mình theo 10 điều răn, 6 điều Hội Thánh dạy hay 7 mối tội đầu  là những luật lệ có tính cách ép buộc, sợ hãi mà theo, không có tình yêu tự do.

5.  Biết được những dấu chỉ của Chúa trên hành trình trần gian qua anh chị em chung quanh giúp đỡ.

Thấy không bị riêng lẻ khi phục vụ (Lc 24,13-35), thấy được sức sống mới trong phục vụ khi có các anh chị em khác tiếp sức một cách quảng đại.

Hiểu được sự quan trọng khi suy gẫm Phúc Âm. Lời Chúa giúp phá tan những trở ngại đức tin khi gặp những Kitô-hữu không theo đường lối tốt như tôi đã gặp trong nhóm hoặc được gặp trong những ngày tĩnh tâm.

Nhận rõ tình yêu của Chúa và sự đồng hành của Chúa qua anh chị em.  Thấy rõ Chúa đồng hành một cách rất kiên nhẫn với tôi, khiêm nhường hạ mình xuống với tôi và sự tha thứ bao dung của Chúa thì vô cùng tận.

6.  Biết tôn kính Bí Tích Thánh Thể và đặt việc rước lễ lên bậc quan trọng hơn lúc trước nhiều.  Thấy �run run� khi MUỐN rước Mình Thánh Chúa. Vì ý thức việc rước Chúa là một cam kết không có thể coi thường, hiểu được sự cần thiết của việc năng xưng tội để việc rước Chúa được tốt đẹp, không phạm Sự Thánh.

7.  Hiểu rõ hơn về cách chiêm niệm, phương pháp hình dung khi suy gẫm Kinh Thánh, phương pháp đặt câu hỏi để hiểu và cảm thông với các nhân vật trong câu chuyện Phúc Âm.

Biết về chiêm niệm thì rung động hơn.   Thích thú khi học Phúc Âm, lúc cảm nghiệm được lời Chúa thì thấy muốn theo Chúa tôi phải chọn lựa giữa thực tế cuộc đời  là công việc, là hạnh phúc trần gian hoặc là con đường hẹp theo Chúa về mục đích cuối cùng của cuộc đời.

Biết cách cầu nguyện theo Phúc Âm theo phương pháp Linh-thao (cha Thành giảng thêm về phương pháp 4P+R).

8.  Biết thế nào là an ủi thiêng liêng qua các trung gian tự nhiên.

9.  Rất thích thú biết rõ hơn về cách phân biệt thần loại và thấy tương đối dễ hơn lúc trước phải phấn đấu nhiều mà vẫn không biết được ý Chúa.

10.  Biết được Chúa rất dễ thương và đáng tin cậy qua việc Chúa quan phòng (đề nghị của cha Thành xin đọc thêm Lc chương 11).

Biết Thiên Chúa tốt, ước cho con người những điều tốt, cũng như cha mẹ muốn cho con cái những điều tốt (cha Thành nói thêm về việc cần xác định là Thiên Chúa thương con người. Không bao giờ được suy xét ra cách hành động của Thiên Chúa vì Ngài nhân từ và không bao giờ đoán phạt con người trong cuộc sống trần gian. Trái lại, Ngài luôn đi với con người để giúp con người vác thánh giá do chính con người trao cho nhau. Ngài không giao thánh giá cho ai vì Ngài thương yêu và muốn cho con người hạnh phúc.  Tất cả những việc xấu ở trần gian đều có nguyên nhân từ các hành động của con người mà ra).

11.  Rung động hơn về những gương của Đức Mẹ (Lc 1,26-39), tin - cậy - mến - phó thác.  Biết biến cố truyền tin vẫn xảy ra mỗi ngày cho chính tôi, Chúa mời gọi tôi tin vào những điều tôi không nhận ra và không hiểu, vì đó là những điều nằm trong chương trình của Chúa.

Biết rõ tuy Chúa muốn đến với tôi nhưng chính tôi phải đến gần Chúa hơn nữa, đừng chỉ �đứng xa xa� hay �theo xa xa� mà thôi.  Muốn được vậy tôi sẽ cố gắng cầu nguyện Phúc Âm mỗi ngày.

Đt được các anh chị giao cho nhiệm vụ ghi chép bản đúc kết này.  Sau khi đọc qua, nếu các anh chị thấy có điều gì sai hay còn thiếu sót, Đt xin các anh chị quảng đại sửa chữa và bổ túc, để bản đúc kết này sẽ là một kinh nghiệm quý cho chúng mình trong cuộc hành trình thiêng liêng với Chúa và với nhau.

Tình thương trong Thầy,

Boston 6 July 2003