ĐH 2003.02 | Số Đặc Biệt - Tưởng Niệm Cha Dominici

 

Trang chính Bao DH 2003 2003-02
.

Hồi Tâm

LM Gildo Dominici, SJ

 
 

“Không có cây nào tốt lại sinh ra trái xấu và ngược lại cũng không có cây nào xấu lại sinh ra trái tốt...” (Luca 6, 24).

 

Ngày 10 tháng 12 năm 1991

I. Cây Tốt Sinh Ra Trái Tốt

Lạy Chúa, cây tốt trong con là Chúa. Hình ảnh Chúa trong con là cây tốt sinh trái tốt. Hơn nữa, Tình Yêu Chúa trong con (Gv 17, 26), Chúa Thánh Thần ngự trong con (Rm 5.5; 1 Cor 6.19) sinh ra hoa trái tốt là tình yêu Chúa đối với con. Vì thế trước hết, con xin Chúa soi sáng cho con thấy hoa trái tốt nhất là tình Chúa đã yêu con suốt ngày hôm nay, là những dấu hiệu tình yêu Chúa đã vây phủ con từ sáng đến tối.

- Đêm qua con đã ngủ ngon giấc, sáng nay con cảm thấy khỏe và vui. Nỗi buồn hôm qua đã tan rồi. Con cám ơn Chúa! Con phải đi Detroit hướng dẫn một khóa Linh Thao, đã quyết định lên đường vào ngày hôm nay 10 tháng 12. Hôm qua con vui vì thấy tuyết hết rơi, nhưng lại có hai lý do làm con buồn: giấy tờ bảo hiểm xe hơi chưa có, đến hôm nay vẫn chưa nhận được như con đã hy vọng. Tệ hơn nữa, chiều hôm qua lúc đi đổ xăng, con mới thấy kính xe bị nứt vì trời quá lạnh. Không có giấy tờ bảo hiểm và kính xe có thể bị vỡ bất cứ lúc nào, làm sao lên đường được? Rỏ ràng Chúa không muốn con đi hôm nay. Tại sao? con không biết, vì thế mà hôm qua con buồn quá, con cảm thấy bất lực trước nghịch cảnh.

- Sáng nay Chúa đã giúp con cầu nguyện sốt sắng: con đã dâng lên Chúa ngày hôm nay; con sẵn sàng làm theo ý Chúa. Con đã trao phó chính con hoàn toàn trong tay Chúa như đứa con trong tay mẹ nó. Điều này đã đem lại cho con thật nhiều bình an và con rất bình tĩnh. Sau đó Chúa đã đến thăm lòng con trong bí tích Thánh Thể: đây là một ơn lớn. Mỗi khi Chúa vào lòng con, con cảm thấy như được đổi mới và được vào nước Tình Yêu. Cảm ơn Chúa rât nhiều.

- 9 giờ sáng nay con đưa xe đi thay kính. Ban đầu ông chủ nói rằng ông không có thể làm hôm nay được vì quá bận. Con cầu nguyện trong lòng xin Chúa giúp con. Ông ta vào văn phòng và khi trở ra cho biết có thể sửa thêm một chiếc xe nữa. 5 giờ chiều công việc mới xong. Con xin cám ơn Chúa.

- Để lại garage, con về nhà bằng xe điện ngầm. Lúc ra khỏi trạm, một nữ sinh chừng 15 tuổi đến bên con xin một vé tầu vì cô ta đã quên không mang theo tiền. Con cười vui vẻ, vừa đưa ra vé cho cô vừa nói: đây là vé cuối cùng của tôi. Chúc cô đi học vui vẻ!” Cám ơn Chúa vì đã cho con một dịp để phục vụ Chúa qua một bé gái.

- Về tới nhà, con thấy ngoài cửa phòng có một lá thư. Trái tim con bắt đầu đập thật nhanh. Con nhìn vào tên người gửi... Chúa ơi! Sung sướng quá. Không cần mở thư, chạy ngay vào nhà nguyện, quỳ xuống và... Chúa có nhớ không? Con tạ ơn Chúa hết lòng, tâm hồn rộn ràng niềm vui. Lá thư đó chính là do hãng công ty bảo hiểm xe hơi gửi cho con giấy tờ bảo hiểm. Lúc đó con cảm thấy Chúa rất gần con, cảm thấy Chúa như một người mẹ chăm sóc con... con cảm động đến nỗi muốn khóc vì tình thương tế nhị của Chúa đối với con.

- Buổi chiều con gọi điện thoại cho nhà Focolare (Toronto), nơi sẽ ngủ một đêm trên đường đi Detroit, báo tin sẽ đến trễ một ngày và kể ngay kinh nghiệm về tình yêu Chúa hôm qua và hôm nay. Tình yêu Chúa nhận được đem chia sẻ với người khác sẽ làm cho niềm vui tăng lên gấp bội. Cám ơn Chúa vì đã dạy con làm như thế.

- Tối nay con cảm thấy được Chúa yêu thương thật nhiều: I feel loved by God. Chúa biết bây giờ tờ bảo hiểm chỉ tới hôm nay thôi vì thế Chúa đã xếp đặt mọi sự để con khỏi lên đường hôm nay. Chúa muốn con lên đường an toàn, có giấy tờ bảo hiểm xe và có kính xe mới. Con cảm thấy Chúa thật sự là người cha, là người mẹ âu yếm con. Hôm qua con thấy buồn vì nghịch cảnh ngăn cản con thực hiện kế hoạch của con nhưng hôm nay con cảm thấy vui vì biết trao phó mình trong tay Chúa, là người mẹ đầy tình thương yêu chăm sóc.

II. Cây Xấu Trong Con Sinh Ra Trái Xấu

Cây xấu trong con là kết quả của tội tổ tiên, là lòng ích ky, là khuynh hướng đặt chính mình là trung tâm điểm cuộc sống. Vượt khỏi tính vị kỷ bằng cách tập yêu mến, đây chính là điều con phải làm. Tình yêu Chúa đổi mới tình yêu của con. Vì thế con tự hỏi một điều thôi: suốt ngày hôm qua con đã trả lại tình yêu Chúa như thế nào? Trong mọi trường hợp, hôm nay con đã yêu Chúa và anh chị em không?

- Hôm nay con đã xác tín vì đã thấy tình yêu Chúa như Thánh Tôma tông đồ

- (Gv 20, 28-29). Hôm qua, lúc đi ngủ, con cảm thấy buồn vì nghịch cảnh. Niềm vui hay nỗi buồn của con đều tùy thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài. Điều này có nghĩa là con chưa tin vào tình yêu Chúa lúc gặp nghịch cảnh, chưa tin cho đủ rằng mọi sự do tình yêu Chúa. Xin Chúa ban cho con thêm lòng tin vào tình yêu Chúa. Chúa là người Cha và ngay khi gửi thử thách nào đó, Ngài vẫn yêu thương con. Xin Chúa tha lỗi cho con.

- Sáng nay lúc suy niệm, trí óc con cứ muốn nghĩ đến kiếng xe và tờ bảo hiểm... Con luôn luôn phải chiến đấu để “bắt liên lạc” với Chúa và quên mọi sự khác. Xin Chúa tha lỗi cho con.

- Sáng nay, trước khi đưa xe vào garage, có một chị gọi điện thoại cho con từ Mỹ. Nhưng vì quá lo về vấn đề xe cộ, nên đã không lắng tai nghe, bây giờ con không còn nhớ chị ta nói điều gì với con. Lạy Chúa, Chúa thấy rõ con chưa biết yêu thương: vẫn để ý vào con hơn là để ý vào Chúa trong anh chị em con. Xin Chúa tha lỗi cho con và xin Chúa dạy con yêu mến.

- Chiều nay, ăn cơm trưa xong, con xuống phòng làm phóng ảnh. Lúc con đang chụp mấy chục trang, một cha già tới và hỏi con bao lâu nữa mới xong, con nói nửa tiếng. Nhưng tối nay, con mới thấy con đã mất đi một dịp rất quý để yêu Chúa trong cha đó: lẽ ra con phải nhường cho cha già làm công việc của ngài trước rồi hãy làm tiếp tục việc mình sau. Một hành động yêu thương bác ái quý hơn mọi sự khác. Xin Chúa tha lỗi cho con và dạy con yêu mến.

- Chiều nay, trên đường đến garage đi lấy xe, trước khi vào xe điện ngầm, một thanh niên người Canada xin tiền: Do you have any change? Khi một người trẻ hỏi như vậy, con cảm thấy hơi giận và nghĩ bụng sao không đi làm? Nhưng có lẽ anh ta đau, hay có nhu cầu đặc biệt nào đó? Và nếu cho được vài xu vì thấy Chúa trong anh ta thì đó cũng là điều tốt. Xin Chúa tha lỗi cho con.

- Tóm lại, hôm nay con chưa sống đủ Lời hằng sống tháng này: “Ngài là mọi sự tốt đẹp (Mc 7, 3-7)”.

Tối nay cũng như mỗi buổi tối, trong giây phút hồi tâm, con nhìn vào Chúa và tình yêu của Ngài, con cảm thấy vui và rất phấn khởi, con cảm thấy đời sống đẹp vì có tình yêu Chúa. Nhưng lúc con nhìn vào con, lạy Chúa, nhìn vào cách cư xử của con với Chúa và anh em, con cảm thấy buồn vì thấy rõ đối với con tình yêu bác ái chưa phải là điều tự nhiên. Đến khi nào chưa yêu mến một cách tự nhiên, con chưa làm môn đệ đích thực của Chúa. Ngày mai xin Chúa giúp con yêu Chúa nhiều hơn. Cám ơn Chúa vì hôm nay cảm thấy được tràn ngập bởi tình yêu Chúa. Mai con sẽ lên đường vui vẻ phụng sự Chúa trong anh em Detroit.

                     * * *

Các bạn thân mến,

Trên đây cha đã chia sẻ với các bạn phút hồi tâm của cha. Thấy rõ nó chỉ gồm có hai điểm thôi:

a) Hôm nay Chúa đã yêu tôi như thế nào?

Điều này là điểm chính nó có mục đích là giúp mình ý thức, thấy rõ tình yêu Chúa trong cuộc sống hằng ngày của mình. Khi thấy mình được Chúa yêu chấp nhận như mình là, săn sóc và dạy bảo thì mình cảm thấy vui, xứng đáng được sống. Mọi đau khổ, nghịch cảnh... có ý nghĩa sâu xa hơn. Thấy tình yêu Chúa như thế, mình mới đủ can đảm hy sinh cho Chúa. Không có cái nhìn này về tình yêu Chúa, rất khó có một đời sống nội tâm.

b) Tôi đám lại tình yêu Chúa như thế nào?

Tình yêu mình đối với Chúa là kết quả của tình người đối với tôi. Tình yêu mình đối với Chúa luôn luôn yếu, không đủ. Nhưng vì thấy Ngài yêu tôi mặc dầu tôi không biết yêu Ngài, tôi vẫn không ngã lòng, và sẽ bắt đầu yêu Ngài lại, dù vẫn biết sẽ bất xứng hoài. Nhưng không sao, vì Ngài yêu tôi và chấp nhận tôi như tôi là.

Phút hồi tâm như thế rất đơn sơ, dễ làm và dễ có kết quả. Mỗi tu sĩ Dòng Tên hồi tâm mỗi ngày hai lần: trước khi ăn cơm trưa và buổi tối trước khi đi ngủ.

Các bạn thân mến,

Các bạn thấy cách hồi tâm của cha khác hẳn với cách hồi tâm của anh Bích (báo ĐH tháng 1 & 2, 1992) và Uyên. Cách hồi tâm của Bích & Uyên rất tốt và tích cực; cha hy vọng sẽ có nhiều các bạn trẻ cũng sẵn sàng chia sẻ cách hồi tâm của mình trong báo Đồng Hành.

Nhưng các bạn hiểu hồi tâm là một phần đời sống nội tâm của mỗi người: nó tỏ ra mức sống thiêng liêng của mỗi người. Chúng ta lớn lên, phát triển trong mối liên lạc với Chúa giống như ta lên tuổi và lên vóc. Cha xin đưa ra một ví dụ.

1 - Có một thanh niên sáng nào trên đường đi làm cũng gặp một cô kia cũng đi làm. Ban đầu anh ta không để ý gì đến cô. Nhưng mấy tuần sau, anh bắt đầu để ý chào cô: “Good morning” rồi tiếp tục đi. Đây là giai đoạn thứ nhất trong mối liên lạc giữa anh ta và cô. Cô ta vẫn là một người xa lạ.

2 - Sau một thời gian, anh cười chào cô và bắt đầu hỏi chuyện: “Cô cũng đi             làm phải không? Cô làm việc gì?”. Đây là giai đoạn thứ hai: anh để ý vào cô nhiều hơn, muốn biết thêm về cô: cô bắt đầu bước vào đời sống anh ta...

3 - Càng lâu anh ta càng để ý đến cô ta, muốn hỏi chuyện và biết thêm về cô. Một buổi tối, anh bắt đầu nghĩ đến cô ta và tự hỏi: “Mối liên lạc của tôi và cô ta như thế nào? Tâm tình tôi đối với cô ta có phải là tình yêu không?...” Anh bắt đầu ý thức về mức lưu tâm của anh đối với cô, về “phẩm chất” của mối liên lạc giữa anh với cô.

4 - Cuối cùng một ngày kia, anh nói với cô ta là yêu cô và muốn làm đẹp lòng cô... Cô ta đã hoàn toàn bước vào cuộc sống của anh và bắt đầu có ảnh hưởng trên đời sống của anh.

Mối liên lạc giữa chúng ta với Chúa cũng trải qua những giai đoạn tương tự: tức là nó cũng lớn lên và phát triển. Vì thế hồi tâm của mỗi người khác nhau, tùy theo giai đoạn đời sống nội tâm của mỗi người. Có nhiều người không có liên lạc gì với Chúa, Chúa hơi xa vời, ngoài cuộc sống họ.

1 - Những có lúc họ bắt đầu đọc kinh buổi sáng, hoặc lúc cần gì đó. Đây là giai đoạn một: giống như họ nói “good morning” với Chúa đó thôi.

2 - Nhiều khi họ xin Chúa gì đó và được, vì thế họ đọc kinh thêm và bắt đầu nói chuyện với Chúa nhiều hơn...

3 - Họ có dịp đi Linh Thao hoặc được Chúa tác động qua một bài Phúc Âm hoặc một biến cố, lúc đó họ bắt đầu ý thức về mối liên lạc của họ với Chúa: họ bắt đầu tự hỏi: Đối với con Chúa là ai? Họ bắt đầu ý thức Chúa có liên hệ mật thiết với cuộc sống của mình.

4 - Họ lớn lên thêm khi cảm thấy yêu mến Chúa, sẵn sàng dâng cuộc sống của mình cho Người và để Người điều khiển cuộc sống của mình.

Có nhiều giai đoạn nữa... Kinh nghiệm đời sống của mỗi người khác nhau vì  mức lớn lên khác nhau. Phút hồi tâm phản ảnh mức độ liên lạc với Chúa của mỗi người. Hồi tâm của Bích và Uyên chưa hoàn hảo, nhưng tốt. Nhất là của Uyên khá hơn, vì có lẽ gần ở giai đoạn hai hoặc ba.

Điểm chính trong phút hồi tâm là ta trở về lòng mình để gặp Chúa và hỏi Người có bằng lòng về lối sống của ta không? Tức là ta dùng Lời Chúa làm mực thước trong cách sống của mình trong ngày đó, và so với ý Chúa để xem ta đã sống như Chúa muốn hay chưa. Trong phút hồi tâm Chúa đóng vai trò chính, chúng ta vai phụ. Như thế phút hồi tâm trở nên một phương tiện giúp chúng ta lớn lên và triển nở mối liên lạc với Chúa.

G. Dominici, SJ