Tôi có cái thú
nuôi cá. Thật ra nói nuôi cá thì không đúng lắm, ngắm cá thì hợp lý
hơn. Sau một ngày làm việc mỗi khi về đến nhà thường thường việc đầu
tiên của tôi là vội đến hồ cá, nhìn xem gia đình cá của tôi ra sao.
Tôi như cảm
thấy một ngày mệt nhọc như tan biến đi khi nhìn thấy đàn cá tụ đến
mừng tôi về, cũng như tíu tít chờ tôi thả những mảnh đồ ăn đủ màu
xuống hồ. Nhìn đàn cá náo nức chờ ăn tôi cảm thấy mình thật bình an.
Cá cần đến tôi để sống, tôi cần đến cá để quên đi giây phút những
phiền toái của cuộc đời.
Sự liên kết
giữa cá với tôi chỉ giản dị thế thôi. Không phải là chuyện tình lâm
ly như những chàng thủy thủ xa nhà thời xa xưa để trái tim mình rung
động với tiếng hát ru hồn của những nàng ngư nữ. Hay như anh chàng
Tom Hanks chết mê, chết mệt với nàng cá trong phim “Splash”.
Tôi thương
những cậu cá đen trắng, những cô cá đủ màu sắc mà tôi có trong hồ cá.
Tôi đặt tên chú cá nầy là “hung hăng” vì hết chạy đuổi cô cá nầy,
lại tấn công nàng cá khác, không lúc nào nghĩ, không bao giờ biết
mệt. Còn cô cá “thùy mỵ” kia lúc nào cũng nép mình bên cạnh đám san
hô, sợ ra ngoài bị người ta rượt. Còn cái anh chàng “hổ lốn” kia
thì cái gì cũng đớp, “thượng vàng hạ cám” đều vào miệng anh ta cả.
* * *
... Nhớ đến
mỗi lúc đi học về quăng đại quyển sách vào một góc nhà, coi hai con
cá đá của mình ra sao. Mỗi con mình giữ riêng trong một cái lọ nhỏ,
không dám để chung vì sợ nó đá chết nhau. Cũng không dám để gần nhau
vì thấy nhau là hai đứa nó “phùng mang trợn mắt” cả ngày, sẽ mệt và
mình lại phải tốn nhiều lăng quăng nữa. Mỗi lần đi hớt lăng quăng
cho tụi nó ăn cũng mệt đừ người. Tuy lăng quăng chỗ nào cũng có,
nhât là ra sau nhà chỗ mấy vũng nước đọng hay ra chỗ mấy cái lu đựng
nước mưa để tắm là có. Nhưng lại phải “lọc đi lọc lại” bao nhiêu lần
mới có những con lăng quăng nhỏ xíu cho hai con cá mình ăn.
Mỗi lần tan
học về nhà đem hai con cá đá gần nhau thấy nó phùng mang trợn mắt
như ông Quan Công, ông Trương Phi thấy thật đã đời, quên hết cái khẻ
tay đau điếng của thầy giáo vì dám đem con thằn lằn bỏ vào cặp sách
của con Mai. Cho bỏ ghét cứ tưởng là mình đẹp lắm, đến lúc nhìn thấy
con thằn lằn, nhảy hét như bị ma rượt thật đáng đời.
Hai con cá
nầy đã làm cho mình quên đau tuy bàn tay vẫn còn sưng phù. Cái con
Mai nầy nếu vẫn chưa chừa cái tánh hách dịch, thì lần sau mình dúi
vào cặp một chú chuột nhắt thì chắc cũng phải chừa. Khi nào mình còn
hai chú cá đá nầy thì mình vẫn còn thuốc chữa đau, lo gì.
* * *
Nhưng có
chuyện gì mà vui được mãi đâu, dù là câu chuyện giữa tôi và cá. Làm
sao mà không buồn được khi sáng đi làm thì “thùy mỵ”, “hung hăng”,
“hổ lốn” vẫn còn vui vẻ tung tăng. Nhưng buổi chiều về thì “hổ lốn”
đã nằm phơi bụng trên mặt nước, “hung hăng” đã không còn xông xáo
nữa, mà “lặng đờ” trong một góc tối bên cạnh dãy san hô. Hồ cá không
còn là một nơi cho tôi sự bình an khi không còn “thùy mỵ” khi mất đi
“hung hăng.” Đã biết bao lần tôi vội vã chạy ra tiệm cá thay thế
“thùy mỵ” nầy bằng “thùy mỵ” khác, “hung hăng” nầy bằng “hung hăng”
kia.
Những người
khách đến nhà tôi chơi, thường khen tôi có một hồ cá đẹp với những
con cá xinh đẹp đủ màu. Chẳng có ai nhìn thấy cảnh tôi phải “hớt” bỏ
đi những con cá thân thuộc yêu thương, phải vội đi mua những thay
thế khác đê hồ cá lúc nào cũng vui, cho mình có những giây phút
khuây khỏa sau một ngày bon chen.
Nhiều khi
tôi tự hỏi mình phải làm gì để có thể giữ “thùy mỵ”, “hung hăng” lâu
dài hơn với mình. Tại sao tôi săn sóc ân cần lo lắng như thế nhưng
mà “tình cá” vẫn bỏ tôi đi.
* * *
... Thằng
Hưng, thằng Bao mới được về nghỉ phép. Tụi mình phải lên Biên Hòa
làm một buổi nhậu cá hấp mới được. Bảy thằng “Ngự Lâm Pháo Thủ” thì
nay chỉ còn ba đứa. Thằng thì tan xác nơi xó rừng nầy, thằng thì
phơi thây nơi đồi núi kia.
Bây giờ mỗi
lần gặp nhau thì mừng vì biết mình còn sống, nhưng nhớ nhiều đến
những đứa không có mặt. Cái bàn trong góc tiệm vẫn còn đó, bảy cái
ghế vẫn còn đó. Nhưng ba đứa ngồi thấy sao nó buồn, nó lạnh lẽo quá.
Tao nhìn đến
con cá hấp mà nhớ đến từng khuôn mặt, từng lời nói, từng kỷ niệm vui
buồn mà tụi mình có với nhau từ lúc còn học chung tại trường Văn
Lang. Những buổi tối cà phê tại quán cà phê Văn Hoa. Những ngày cuối
tuần ở Brodard � ngắm người.
Tao thích cá
phải chăng vì trong tiềm thức tao không thể nào quên bảy người “Ngư
Lâm Pháo Thủ”, không thể nào quên tụi mầy.
* * *
Tôi trở
thành khách hàng quen thuộc của những tiệm cá. Một hai tuần không
thấy tôi đến mua cá là họ đã nhắc rồi. Một hôm có một chú bé giúp
việc cho một tiệm cá hỏi tôi, “Tại sao chú mua cá nhiều thế?” Tôi
trả lời là vì không biết lựa cá tốt. Mua về một thời gian ngắn là
chết dù săn sóc kỹ mấy cũng vậy.
Cậu bé hỏi
tôi, “Chú có cho cá ăn nhiều không?” Tôi trả lời cậu bé là lúc nào
cũng cho cá ăn thật đầy đủ, thật nhiều, có khi một ngày hai ba lần.
Cậu bé lắc
đầu nói, “Đó là lý do cá chết đó chú ơi! Cá chết là vì bội thực đó.
Mỗi lần cá thấy người quen là mừng. Nếu chú nghĩ rằng cá đến xin ăn
là chú đã giết cá đó!”
Bài học đơn
sơ về nghệ thuật nuôi cá của cậu bé đã làm cho tôi xét lại quan niệm
về yêu cá của tôi. Tôi cho cá ăn là vì tôi thương tôi chớ đâu phải
tôi thương cá. Tôi muốn cá ăn nhiều để được khỏe manh, để “thùy
mỵ”mãi mãi là “thùy mỵ” để “hung hăng”lúc nào cũng “hung hăng”. Có
bao giờ tôi nghĩ đến người trước khi nghĩ đến mình chưa?
* * *
... Người
bảo ông Simon: Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá. Ông Simon
đáp: Thưa thầy, chúng tôi đã vất vả mà không bắt được gì cả. Nhưng
dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới. Họ đã làm như vậy, và bắt được
rất nhiều cá, đến nổi hầu như rách cả lưới.
(Luca 5:4-6)
Lạy Chúa,
tuy phải miễn cưỡng nghe lời Chúa, nhưng kết quả không ai có thể phủ
nhận được. Cá nặng gần rách cả lưới, tình yêu nhận được từ Chúa quá
nhiều, quá đầy tràn.
Lạy Chúa,
con phải biết tập nghe lời Chúa. Con phải biết tin tưởng vào tình
yêu Chúa.
Con phải
biết yêu con ít đi, yêu người nhiều hơn, thì sẽ được yêu lại nhiều
hơn gấp bội như mẻ lưới cá, mà các tông đồ đã lưới được vì đã tin
Chúa vì đã yêu Chúa.
Từ khi học
được nghệ thuật nuôi cá của cậu bé, những “thùy mỵ”, “hung hăng” đã
tung tăng bơi lội nhiều hơn, tôi cũng “cần kiệm” được hơn một tí vì
không phải ra các tiệm cá nhiều như xưa. Mỗi lần đi làm về, tôi vẫn
chạy vội tới hồ cá nhưng không phải để cho cá ăn, những chỉ để hỏi
thăm “thùymỵ”, “hung hăng” có nhớ tôi không. Chắc là phải nhớ vì đã
tíu tít mừng đón tôi về.
“Kẽ nào yêu
mến ta nhiều, thì sẽ được yêu mến nhiều” (Luca:7)
|