Đức Giêsu Chịu
Phép Rửa
PHÉP RỬA KHIÊM NHƯỜNG
(Mt 3, 13-17)
Sông Gio-đăng,
tiếng Do thái là “yarad” có nghĩa là đi xuống. Sông Gio-đăng phát
nguồn từ ngọn núi Héc-mon ở độ cao 520 m. Suốt 220 km đường dài dòng
sông không ngừng đi xuống. Thoạt tiên sông chảy vào hồ Hu-lê chỉ còn
68 m trên mực nước biển. Kế đó sông chảy vào biển hồ Ga-li-lê, nơi Đức
Giêsu thường qua lại, và các tông đồ thường chài lưới. Ở đây lòng hồ
sâu 212 m dưới mực nước biển. Sông tiếp tục chảy xuống miền Nam, đổ
vào Biển Chết. Ở đây là độ sâu 394m dưới mực nước biển. Có thể nói
đây là điểm thấp nhất của địa cầu.
Khi Đức Giêsu
bước xuống sông Gio-đăng để chịu phép rửa, Người đã xuống chỗ thấp
nhất không chỉ về chiều sâu theo không gian địa lý mà còn về chiều sâu
tâm lý xã hội. Bước xuống để Gio-an Bao-ti-xi-ta làm phép rửa tội, Đức
Giêsu đã hoà mình vào dòng thác người tội lỗi, cần thống hối ăn năn.
Tuy đến để cứu độ người tội lỗi, nhưng Đức Giêsu không cho mình quyền
đứng trên kẻ tội lỗi. Người đã hạ mình xuống ngang hàng với họ, liên
đới với họ và trở nên anh em của họ. Không ai nhận ra Người. Mọi người
đều cho rằng Người là một trong những kẻ tội lỗi.
Trong đêm Giáng
sinh, ta được chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người. Làm
một người bé nhỏ nghèo hèn hình như chưa đủ đối với tình yêu thương vô
biên của Thiên Chúa, nên hôm nay người lại hạ mình xuống thêm một bậc
nữa, xuống tận đáy xã hội nhân loại khi nhận mình tội lỗi.
Hôm nay, bắt đầu
cuộc đời công khai của Đức Giêsu. Người bắt đầu xuất hiện để rao giảng
Tin Mừng. Trước khi tiến ra gặp gỡ quần chúng, Đức Giêsu đã tới gìm
mình trong dòng sông Gio-đăng. Để chuẩn bị ra gặp loài người Đức Giêsu
cảm thấy cần phải thanh tẩy. Mặc lấy xác phàm, Đức Giêsu chưa cảm thấy
mình gần với nhân loại cho đủ. Người còn hạ mình xuống làm một người
tội lỗi. Người dìm mình xuống lòng sông Gio-đăng, dường như muốn mượn
làn nước trong xanh tẩy sạch đi tất cả dáng vẻ cao quý của Thiên Chúa
còn vương vấn nơi thân xác nhân loại của Người. Tẩy sạch đi tất cả
những gì ngăn cách, để Người được thực sự là một người anh em của mọi
người.
Dòng nước sông
Gio-đăng có trong xanh đến mấy cũng đâu đủ sức rửa Thiên Chúa làm
người. Thực ra chính Người tự rửa mình bằng sự khiêm nhường thẳm sâu.
Khiêm nhường là một phép rửa. Vì khiêm nhường là sự quên mình, là chết
đi một chút. Dìm mình vào dòng sông là chấp nhận đau khổ và chết đi.
Cái chết chính là phép rửa như Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy
còn phải chịu một phép rửa, và Thầy những bồn chồn chờ đến lúc hoàn
tất” (Lc 12, 50). Người còn hỏi hai ông Gioan và Giacôbê khi hai ông
này đến xin được ngồi bên tả, bên hữu trong nước người:” Các ngươi có
thể uống chén Ta uống và chịu thanh tẩy thứ thanh tẩy Ta phải chịu
không?” (Mc 10, 38). Khi nói thế Đức Giêsu có ý nói đến cái chết Người
sẽ phải chịu.
Một câu châm ngôn
nói: Không ai thấy được tình yêu. Người ta chỉ thấy được những bằng
chứng của tình yêu. Bằng chứng tình yêu của Đức Giêsu đối với ta đó là
sự hạ sinh làm một em bé nghèo hèn yếu ớt. Đó là sự khiêm nhường hoà
mình vào đoàn lũ những tội nhân tới dìm mình trong dòng sông Gio-đăng.
Tình yêu đã thúc đẩy Người đi những bước táo bạo, bất ngờ. Mượn dòng
nước sám hối xoá đi mọi khoảng cách còn lại giữa Thiên Chúa và con
người.
Cử chỉ khiêm
nhường của Người là một lời mời gọi ta. Nếu ta cảm thấy mình còn xa
cách Chúa. Nếu ta cảm thấy mình cần được thanh tẩy. Đừng ngần ngại
thay đổi đời sống. Hãy mạnh dạn tiến đến lãnh nhận phép rửa của Đức
Giêsu để trở nên gần gũi với Người. Nếu ta chưa thể lãnh nhận phép rửa
trong cái chết tủi nhục như Đức Giêsu, ta vẫn có thể được thanh tẩy
trong phép rửa khiêm nhường. Hãy rửa mình trong dòng lệ sám hối. Hãy
tắm mình trong dòng nước khiêm cung. Như lời vua Đavít nói:”Lễ dâng
Chúa là tâm hồn sám hối. Một tấm lòng tan nát dày vò, Ngài sẽ chẳng
khinh chê” (TV 50).
Khiêm nhường sám
hối là bước khởi đầu để ta đón nhận Phúc Âm. Khiêm nhường sám hối là
quay trở về nhà Cha, sống trọn tâm tình của người con thảo hiếu. Khi
khiêm nhường trở về, ta sẽ gặp được người Cha nhân hậu đang đứng chờ
tạ Người sẽ nói về ta như nói về Đức Giêsu: “Đây là con Ta yêu dấu, Ta
hài lòng về con”.
Lạy Chúa Giêsu,
xin giúp con biết đến với Chúa và đến với anh em bằng sự khiêm nhường
sám hối.
Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Đức Giê-su
không ngừng đi xuống. Còn bạn, bạn có tự hạ, hay là lúc nào bạn cũng
muốn gìm người khác xuống?
2- Làm thế nào để
trở nên “Con yêu dấu” của Đức Chúa Cha?
|