|
Các anh chị thân
mến trong Chúa Ki-tô,
Đáng lẽ người
viết lá thư này phải là cha Elizalde Thành, vì trong những năm còn ở
với chúng ta tại Hoa-kỳ, ngài đã đưa vào trong những sinh hoạt của
Phong Trào một chương trình Linh Thao dành riêng cho đời sống hôn nhân.
Khởi xướng một chương trình như thế, chắc chắn ngài đã có cái nhìn rõ
ràng hướng tới tương lai và một kế hoạch đầy đủ để thực hiện giấc mơ
phục vụ các gia đình. Những lần “Ban Gia Đình” hỏi ý kiến anh chị em
trước đây, tôi nhớ hình như không đọc thấy ý kiến nào của ngài cả. Có
lẽ sau này “Ban Gia Đình” nên tham khảo lại ý kiến và kinh nghiệm quý
báu của ngài để biết rõ hơn những gì phong trào có thể làm cho mục vụ
gia đình hôm nay. Vậy trong khi chờ đợi, tôi cũng xin mạnh dạn chia
sẻ một ít suy tư về vai trò của Đồng Hành đối với mục vụ gia đình, hy
vọng mỗi anh chị em chúng ta, những người đang sống bậc gia đình cũng
như đang chuẩn bị hôn nhân tương lai đều có thể ý thức đóng góp vào sứ
mệnh chung của phong trào.
Mục vụ gia đình
là một vấn đề lớn và được Giáo Hội quan tâm rất nhiều. Công Đồng
Vatican II dành nguyên chương I, phần thứ hai của hiến chế mục vụ Vui
mừng và Hy vọng, số 47-52, để nói về phẩm giá của hôn nhân và gia đình.
Rất nhiều văn kiện đã được ban hành sau đó và cả một năm gọi là Năm
Gia đình được dành để học hỏi và canh tân đời sống gia đình. Thế mà
chúng ta có cảm tưởng như tất cả nỗ lực của Giáo Hội vẫn chưa đáp ứng
thỏa đáng những nhu cầu của gia đình, và vấn đề mục vụ gia đình được
Công Đồng liệt vào số “những vấn đề khẩn thiết” vẫn còn trở nên khẩn
thiết hơn lúc nào hết. Tại sao vậy? Lỗi tại Giáo Hội hay lỗi tại
chính các gia đình không muốn lắng nghe Giáo Hội và thực thi những
điều Giáo Hội mời gọi? Hoặc lỗi tại chính chúng ta nữa, vì chúng ta
không ý thức bổn phận truyền giáo của mình khi sống đời gia đình gương
mẫu? Nhìn lại quá khứ, chúng ta tự hỏi Đồng Hành đã làm được gì để
đóng góp vào mục vụ gia đình? Trả lời những câu hỏi này tức là chúng
ta sống niềm thao thức của Giáo Hội và chia sẻ sứ mệnh của Giáo Hội.
Chúng ta không có
tham vọng phác họa một chương trình to lớn, rộng rãi, có hệ thống và
có phương pháp, nhưng cũng không nên chỉ lẩn quẩn trong một vài công
tác hời hợt bên ngoài, thí dụ làm “cố vấn” cho những cặp hôn nhân
trong tình trạng đổ vỡ, vay mượn một số nghi thức từ những tổ chức hay
phong trào về hôn nhân để tạo cảm xúc chóng qua... rồi coi đó là những
gì cần thiết Đồng Hành phải làm để cứu nguy tình trạng suy sụp của các
gia đình. Nhưng vấn đề cốt lõi là Đồng Hành làm thế nào để giúp anh
chị em sống linh đạo I-nhã trong môi trường hôn nhân? Làm thế nào để
tìm gặp Chúa và thánh ý Người trong mọi sự trong đời sống gia đình,
nơi mỗi phần tử cũng như trong mọi biến cố lớn nhỏ của từng người hoặc
của gia đình? Làm sao “chiêm ngưỡng để đạt được tình yêu Thiên Chúa”
trở thành mục đích tối hậu của gia đình?
Đời sống hôn nhân
khởi đầu từ điểm hai con người gặp nhau và cùng nhau chia sẻ đồng hành
để đi tới cùng đích là Thiên Chúa. Hành trình ấy trải qua những giai
đoạn tiếp nối, mỗi giai đoạn giúp họ nhận ra Thiên Chúa rõ hơn, để cho
tình yêu của Người ảnh hưởng và biến đổi họ nhiều hơn. Như thế, tôi
nhận thấy điểm đầu tiên giống nhau giữa linh đạo I-nhã và linh đạo hôn
nhân, đó là làm sao tiến tới cái HƠN (magis) mỗi ngày. Lời kêu gọi
của Chúa biểu lộ tính cách liên tục qua trạng từ HƠN này. Mà thực
vậy, nếu Chúa thấy chúng ta đã thánh thiện đủ rồi, thì Người còn tiếp
tục gọi chúng ta làm gì! Nếu chúng ta thấy chúng ta là vợ chồng sống
vui vẻ, con ngoan, nhà đẹp, xe mới, rồi dừng lại ở đấy và coi hôn nhân
của mình là thành công trên đời, là đủ rồi, thì chúng ta sẽ chẳng cần
tiếp tục đồng hành đi đến với Chúa nữa! Cho nên như thánh I-nhã bảo
chúng ta xin cho được biết Chúa Giê-su rõ ràng HƠN, yêu mến Người nồng
nàn HƠN và theo Người trung thành HƠN, thì trong linh đạo hôn nhân
chúng ta cũng phải xin cho được hiểu biết nhau rõ HƠN, yêu mến nhau
thắm thiết HƠN và gắn bó với nhau trung thành HƠN.
Những giai đoạn
nối tiếp trong linh đạo I-nhã cũng phải là gương mẫu cho những giai
đoạn nối tiếp trong hành trình hôn nhân. Linh Thao đi theo một khuôn
khổ là bắt đầu từ giai đoạn được thanh tẩy (Purification), rồi sẵn
sàng bước theo Chúa Ki-tô để học với Người và được “ngộ”
(Illumination), cùng chịu đau khổ với Người để củng cố sứ mệnh của
mình (Confirmation) và sau hết được kết hiệp với Người trong vinh
quang (Union). Bốn giai đoạn liên tiếp này nói lên năng động của Linh
Thao là khám phá ra thân phận của mình (Identity, tuần I), hiểu biết
ơn gọi của mình (Vocation, tuần II), xác tín và sống sứ mệnh của mình
(Mission, tuần III) để thực sự là người đầy ân sủng của Thiên Chúa
(Name of grace, tuần IV).
Ở đây tôi trình
bày năng động Linh Thao theo cha George J. Schemel, S.J., và theo tôi
nghĩ hành trình hôn nhân cũng có thể đi theo một khuôn khổ giống như
vậy. Trước hết, từ hai con người với lý lịch và cá tính riêng biệt,
hai vợ chồng biết đăt lại vấn đề hôn nhân, tựa như người đi Linh Thao
nhìn lại Nguyên lý và Nền tảng đời họ, rồi hai người nhìn vào chính
mình để nhận ra những hay dở của mình mà khởi hành, quyết định đáp lại
lời mời gọi của Chúa Giê-su và theo Người. Chúa Giê-su kêu gọi họ hãy
lắng nghe và chiêm ngưỡng Người, hãy sống những giá trị Tin Mừng, hãy
để cho lối sống của Người biến đổi họ. Qua những đau khổ và khó khăn
của cuộc sống hôn nhân, Chúa Giê-su mời gọi họ hãy củng cố lại sứ mệnh
của mình, tiếp tục kiên trì và trung thành với sứ mệnh hôn nhân. Cuối
cùng, khi họ kết hiệp với nhau trong tình yêu Thiên Chúa, thì đó chính
là đạt tới mục đích của hôn nhân, là muôn đời hạnh phúc chứ không phải
chỉ trăm năm hạnh phúc và đầu bạc răng long mà thôi đâu.
Tôi hy vọng tới
đây, chúng ta đã manh nha dựa theo linh đạo I-nhã tìm ra được một linh
đạo hôn nhân thích hợp, ít ra cho chúng ta là những anh chị em Đồng
Hành. Để chuẩn bị hôn nhân, chúng ta đã có rất nhiều chương trình,
khóa học, như Marriage in the Lord, Engaged Encounters... Để sửa chữa
những trục trặc hôn nhân, chúng ta có những chương trình cố vấn,
Retrouvaille... Để thăng tiến đời sống hôn nhân, chúng ta có Marriage
Encounters của Hoa-kỳ, của Lm Tiến sĩ Chu Quang Minh... Nhưng để sống
hôn nhân theo linh đạo I-nhã thì chúng ta vẫn còn loay hoay, quanh
quẩn! Vậy kết luận là chúng ta cần thấy rõ hơn một linh đạo hôn nhân
(Marital/ Conjugal spirituality). Và nếu linh đạo hôn nhân ấy lại
phản ảnh được những đường nét của linh đạo I-nhã thì đó là một lý
tưởng thực tiễn và tuyệt vời. Mong các cha giúp Linh Thao và “Ban
Huấn Luyện” trình bày cho anh chị em thấy được đâu là một linh đạo hôn
nhân. Mong “Ban Gia Đình” cùng với tất cả anh chị em Đồng Hành suy
nghĩ, tìm hiểu, thực hành, rút kinh nghiệm, chia sẻ và góp ý để chúng
ta có thể đóng góp một phần nào vào sứ mệnh mục vụ gia đình của Giáo
Hội và cũng là của chúng ta nữa.
Thân ái cùng anh
chị em trong tình yêu Chúa Ki-tô.
Lm. Trần Đình Nhi
|
|