ĐH 2001.01 | Đồng Hành - Nơi Tập Trở Nên Một Cộng Đoàn

 

Trang chính Bao DH 2001 2001-01
.

Thánh I-Nhã Nghỉ Gì Về Việc Cầu Nguyện Của Người Tông Đồ

Lm Jean-Claude Dhôtel, S.J.

 
 

(tiếp theo kỳ trước)

 

II. Lời cầu nguyện tông đồ sẽ làm con tim ta đổi mới

 

1.  Đổi mới trong cái nhìn:

Chúng ta nhìn thế giới như thế nào? Là những khuôn mặt trên đường phố, những tin tức thông báo qua các phương tiện truyền thông, và những điều thấy mà nản lòng: chiến tranh, thất nghiệp, thiên tai, bệnh tật, thiếu luân lý, tuổi trẻ sa đọa, tội ác, gia đình đổ vỡ, v. v... Chính thế giới mà tôi đang thấy đó sẽ được tôi dâng lên Chúa trong lời cầu nguyện của mình. Nhưng tôi cũng hỏi để biết chính Chúa, Ngài thế giới này như thế nào?

Thiên Chúa vẫn nhìn thế giới này ngày hôm nay như đã nhìn trong ngày đầu tiên: thế giới là công trình tạo dựng của Người. “Thiên Chúa thấy điều đó tốt đẹp.” Còn vào ngày thứ sáu, khi nhìn người đàn ông và người đàn bà, “Thiên Chúa thấy điều đó cực kỳ tốt đẹp.” Ai cũng yêu thích điều tốt đẹp. Thiên Chúa cũng thế. Cái nhìn đầu tiên của Thiên Chúa là cái nhìn yêu thương đối với thế giới và con người. Và cái nhìn này sẽ không bao giờ thay đổi. Trước khi xảy ra cơn đại hồng thủy (Sáng Thế 6,5), Thiên Chúa nhìn thấy �sự độc ác của con người quả là to lớn trên thế giới này, lòng người suốt ngày chỉ mưu toan những điều dữ... và Người đau đớn trong lòng.” Khi điều tốt đã trở thành điều xấu rồi thì không thể lấy lại tình yêu nữa.

Thánh I-nhã cũng kêu gọi ta giữ cái nhìn ấy khi chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập Thể: “Hãy xem Ba Ngôi Thiên Chúa đang nhìn mặt đất hay vũ trụ.” Một cái nhìn thu tóm lấy cả vũ trụ, nhưng đồng thời cũng chiếu cố đến mỗi người: chiếu cố đến “từng người, trong những tập quán và thái độ vô cùng khác nhau.” Một cái nhìn yêu thương vì từ đó Người đã đi tới quyết định chung: “Ta hãy cứu lấy nhân loại.” (LT 102 - 109).

Chính nhờ đối chiếu cái nhìn của tôi với cái nhìn của Chúa trên thế giới này mà cái nhìn của tôi bắt đầu dược đổi mới. Tôi ngước mắt nhìn lên trời để có thể trông thấy đất rõ hơn � không phải coi đất là trần tục nhưng là công trình được tạo dựng, và con người được coi là những tạo vật đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Nói thế không có nghĩa là ta phủ nhận sự dữ. Nhưng sự dữ không phải là điều gì tuyệt đối, không phải là sức mạnh ngang bằng, càng không thể là sức mạnh lớn hơn sự thiện. Công trình tạo dựng vẫn tiếp tục, vì Chúa vẫn luôn luôn hoạt động.

Bước theo linh đạo I-nhã, ta cũng được mời gọi tìm kiếm Chúa trong mọi sự để có thể nhận ra Chúa trong hết mọi sự. Nhưng ta chỉ có thể thấy Chúa trong mọi sự nếu  trước tiên chúng ta đã nhìn thấy mọi sự trong Thiên Chúa: mọi sự chỉ hiện hữu là vì đã hiện hữu trong tâm hồn Thiên Chúa - Đấng sáng tạo và là Hiền phụ. Như thế, tuy ban đầu ta cầu xin cho thế gian mà ta chỉ thấy toàn là điều ác, nhưng cuối cùng lại kết thúc bằng lời ngợi khen. Đó chính là dấu hiệu cho biết cái nhìn của ta đã được đổi mới: ta đã vượt lên trên những dáng vẻ bên ngoài  để nhìn mầu nhiệm Thiên Chúa vô hình đang hiện diện và hoạt động trong lòng vũ trụ. Khi đưa tầm nhìn của mình về tới Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhìn con người với cái nhìn của Thiên Chúa.

Thánh I-nhã còn nói trong hiến pháp của dòng: “Như thế, khi nhìn nhau, mọi người sẽ lớn lên trong việc thờ phượng, sẽ ca ngợi Thiên Chúa chúng ta - đấng mà ai cũng phải cố gắng nhìn ra đang hiện diện nơi người khác, hình ảnh của Thiên Chúa.”

Như thế từ sự đổi mới trong cái nhìn, ta đi đến việc đổi mới trong phán đoán.

 

2. Đổi mới trong phán đoán

Khi nhìn sự việc, con người và biến cố, chúng ta thường đưa ra một phán đoán theo qui trình bình thường của con người: đi từ giác quan sang ý thức.

Hãy can đảm đưa những phán đoán của mình ra trước mặt Chúa đúng như sự thật của chúng. Chúng ta cảm thấy khó chịu khi đọc một số thánh vịnh tác giả kêu cầu Chúa hãy trả thù cho họ, hãy hủy diệt chúng cho đến cả con cháu chúng nữa. Đức Giê-su dạy phải yêu thương thù địch. Nhưng trước khi yêu thương, phải biết có tình trạng thù địch ấy. Bằng không, tình yêu đó không thật.

Tại sao ta hay phê phán người khác? Giản dị là vì chúng ta không giống họ. Những gì làm cho tôi là tôi, chứ không phải người khác, chính là tất cả  những cái làm nên sự khác biệt của tôi: di truyền, chủng tộc, tên gọi, gia đình, giáo dục, môi trường xã hội, quốc tịch, tính khí... Làm sao hiểu nhau được khi chúng ta bị chi phối sâu xa bởi những sự khác biệt nhau như thế? Ngay từ khi sinh ra, chúng ta đã có khuynh hướng tìm đến những gì giống mình và xa tránh những gì khác mình. Một cách rất tự nhiên, ta coi người khác � người không giống ta � như một kẻ gây hấn. Làm sao người ấy lại không có mặt trong lời cầu nguyện của tôi vì người ấy cũng chính là tôi?

Thế nhưng khi cầu nguyện, đưa mình cùng với những phê phán của mình ra trước mặt Chúa là tôi đang đưa mình cùng với những phê phán ấy ra trước mặt Đấng hoàn toàn khác tôi. Khác đến nỗi các phê phán của tôi như không thể đứng vững được nữa trước mặt Người, trừ phi tôi tạo ra một Thiên Chúa theo hình ảnh của mình, biến Người thành một ngẫu tượng. Làm sao tôi biết được đấng tôi đang gặp đây là Thiên Chúa thật, là Đấng hoàn toàn khác? Câu trả lời đã có sẵn trong Tin Mừng: tôi biết rằng đấng tôi đang gặp đây là Thiên Chúa thật, nếu Người lôi kéo tôi đến với Con Ngài là Đức Giê-su Kitô và là Đức Giê-su Kitô chịu đóng đinh. (Thập giá ấy chính là nơi thế gian bị xét xử). Thập giá của Đức Kitô cho tôi biết bản án ấy đã kết án tội lỗi nhưng cứu thoát các tội nhân. Đứng trước thập giá của Đức Kitô, tôi chỉ còn cách là gác bỏ những phê phán nhận định của mình để nhận lấy sự phê phán xét xử của Thiên Chúa.

Như thế toàn bộ cuộc sống tôi đã được đưa vào cuộc. Đó là mạng lưới đan chằng chịt những lực cuốn tới và đẩy lùi, những phán đoán thiện cảm và ác cảm, bất kể đó là về gia đình mình, bạn học, người quen hay những quan điểm chính trị, đời sống trên thế giới, hội thánh, người gần kẻ xa. Đó chính là cánh đồng bao la, trong đó lúa tốt và cỏ dại cùng mọc lên, Chúa lại muốn ta cứ để cả hai cùng mọc, kẻo nhổ cái này lại vô tình nhổ luôn cái kia vì phán đoán sai chẳng hạn...

Chúng ta không thể không đưa ra những phán đoán - vì đó là phẩm giá của con người - phân biệt đâu là điều tốt, hầu sau đó thi hành. Nhưng khi trình bày những phán đoán trước mặt vị Thiên Chúa bị đóng đinh ấy, tôi bỗng nhận ra các phán đoán của mình thật hạn chế, mình không phải là trung tâm thế giới. Sự ý thức mà tôi có được trong việc cầu nguyện tông đồ ấy đưa tới hai kết luận quan trọng cho đời tôi:

- Kết luận thứ nhất: có những người đòi gánh lấy tất cả tai họa trên thế gian. Thấy nhiều người sống trong cảnh cùng cực, họ cảm thấy lương tâm không yên khi có một mái nhà, khi đói được ăn, khi hưởng một số tiện nghi. Họ đổ lương tâm bất ổn này lên người khác, nghi ngờ tất cả những ai sống vui sướng. Đó là sự tự cao tự đại hay có thể  nói là một sự kiêu ngạo tinh thần. Chúng ta không cần phải đích thân một mình mang lấy tất cả mọi tai họa trên thế gian vì chỉ có Đức Kitô trên thập giá đã mang lấy tai họa và tội lỗi của thế gian. Chắc hẳn sự khó nghèo tột cùng của Đức Giê-su  trên thập giá mời gọi ta hãy sống hết sức giản dị và đơn sơ để liên đới với những người nghèo và tất cả những ai đang chống lại bất công, nghèo đói, nhưng ta đừng vì thế mà coi mình là Đức Giê-su Kitô và đừng bắt người khác phải khổ sở vì cái lương tâm sai lạc ấy.

- Kết luận thứ hai: khi cầu nguyện, tôi đặt tất cả mọi phán đoán của tôi cho Chúa xét. Cũng thế, tôi sẽ tập đặt các phán đoán của mình cho người khác xét, vì tin rằng chúng ta không bao giờ dám chắc là mình nghĩ đúng và vì ước ao được người khác soi sáng cho thấy vấn đề rõ hơn. Điều này đúng cho tất cả mọi cuộc đối thoại của chúng ta. Muốn vâng phục không phải là muốn tùng phục cách mù quáng. Ta có bổn phận phải nói ra điều mình suy nghĩ, nhưng đồng thời cũng phải sẵn sàng từ bỏ phán đoán riêng của mình để cho người khác nhận xét, vì tin rằng chúng ta không phải là trung tâm vũ trụ, mình chỉ là những cá thể không làm sao đạt đến chân lý nếu không cởi mở đón nhận cái phổ quát.

Như thế, chúng ta sẵn sàng hành động trong thế giới này hợp với những phán đoán hết sức đúng đắn. Đây là sự đổi mới thứ ba mà việc cầu nguyện tông đồ tạo ra được nơi ta: đổi mới trong hành động.

 

3. Đổi mới trong hành động

Việc đổi mới này sẽ củng cố thêm hai điều xác tín trên đây của chúng ta � kết quả của việc linh thao theo thánh I-nhã.

Trước hết: Chúa Giê-su đã giao cho hội thánh và cho mỗi người chúng ta trong hội thánh trần gian này, nơi Người đã từng đến giao lời cứu độ. Nếu Đức Giê-su có liều lĩnh như vậy thì đó là do lệnh của Cha Người � đấng sáng tạo trời đất. Ngài đã ban cho con người tự do, trí nhớ, trí hiểu, ý chí để làm cho mặt đất đông lên, để canh tác, khuất phục và cai trị mặt đất. Như thế, khi vâng phục theo đức tin, chúng ta phải tin vào khả năng nhân bản của mình cũng như sự tự do làm biến đổi thế giới.

Có những lời cầu nguyện bắt đầu như sau: “Lạy Chúa, xin làm cho...” Vì làm tiêu tan nghị lực của người xin nên những lời cầu nguyện ấy nghe không ổn lắm. Những gì Chúa đã giao cho ta, Người không muốn làm thay ta. Thật là xúc phạm cho Đấng Tạo Hóa khi người ta khinh chê các khả năng của mình � dù là khả năng yếu ớt đến đâu - mà Người đã ban tặng  khi tạo dựng ta theo hình ảnh Người và giống Người. Hãy yêu, rồi hãy hành dộng hết lòng, hết sức, hết trí. Chân lý này phát xuất từ đức tin. Lời cầu nguyện tông đồ không phải là lời cầu nguyện theo kiểu “Lạy Cha, xin hãy làm cho con”, nhưng là một hành vi đức tin, tin rằng Giáo Hội - dù có tính nhân loại đến đâu - và mỗi người chúng ta trong giáo hội đều có khả năng thực hiện những gì ta cầu xin: “Xin làm cho Danh Cha được hiển thánh, Triều đại Cha mau đến, ý cha được thực hiện dưới đất này.”

Thứ đến, trong khi hoạt động tông đồ ta nhận ra Chúa đang hiện diện nơi mọi thụ tạo cũng như nơi chính bản thân chúng ta. Người hiện diện và hoạt động trong đó, vượt xa những gì ta có thể làm được  bằng những phương tiện nhân loại của mình. Chúng ta được lời cầu nguyện thúc đẩy để hành động. Vì thế, hãy huy động mọi sự để thực hiện điều Chúa dạy. Nhưng chúng ta cũng kinh nghiệm ngay những giới hạn của mình, chúng ta đau đớn cảm nhận rằng những thành công của mình không bao giờ vừa với điều mình hy vọng, trong đời ta lúc nào cũng có những thất bại. Chúng ta có nản lòng và rũ liệt khi nhận ra sự nghèo nàn trong các phương tiện của ta không? Không. nếu ta nhớ rằng Chúa luôn hoạt động cùng với chúng ta. Một cách vô hình nhưng chắc chắn, Người làm lại những gì chúng ta đã làm hỏng hay làm thiếu. Nếu vậy, dù kết quả công việc tôi làm có gì tôi cũng vẫn hy vọng. Trong lúc làm việc hay sau khi làm xong, tôi sẽ trao cho Chúa tất cả những gì Người đã ban cho tôi để làm việc, tất cả sự tự do của một con người đang làm việc trên thế gian: “Lạy Chúa, xin hãy nhận tất cả tự do, trí nhớ, trí hiểu và ý chí của con...” (LT số 234).

Một môn đệ của thánh I-nhã đã diễn tả hai chân lý ấy trong bài kinh sau đây, tuy ngược đời nhưng rất nổi tiếng: “Ước gì qui luật đầu tiên của mọi hoạt động sẽ là: bạn hãy tin tưởng vào Chúa như thể mọi thành công là hoàn toàn tùy nơi bạn chứ không tùy thuộc Thiên Chúa. Tuy nhiên, hãy vận dụng mọi phương thế như bạn chẳng làm gì cả mà là Chúa sẽ làm hết mọi sự.”

 

Kết luận

Khi đề cập đến việc đổi mới trong cái nhìn, trong phán đoán và hành động do việc cầu nguyện tông đồ mang lại, tôi đã lấy lại phương châm ba thì của công giáo tiến hành: xem, xét, làm. Điều này không có gì lạ, vì đây là một qui trình tự nhiên của trí tuệ. Qui trình hành động của I-nhã cũng vậy - một qui trình dựa vào cơ cấu hành động của con người một cách thực tiễn, nhưng được diễn tả khác: chiêm ngắm, nhận định, quyết định để hành động.

Công thức xem - xét - làm có thể chỉ dừng lại ở chiều ngang: tôi phân tích một tình huống (xem), phê phán nó theo những tiêu chuẩn của loài người, hay có thể theo cả Tin Mừng nữa (xét), rồi tôi hành động theo như mình đã phê phán.

Còn công thức chiêm ngắm - nhận định - quyết định để hành động bao hàm một chiều dọc rõ ràng hơn: tôi vẫn phải nhìn thế giới, nhưng nhờ chiêm ngắm tôi cố gắng nhìn thế giới với cái nhìn của Thiên Chúa, đánh bật tôi ra khỏi trung tâm. Tôi vẫn phải đánh giá và phê phán như thường, nhưng nhờ sự nhận định tôi phải ngước mắt nhìn lên cao, nghĩa là nhìn tới mục tiêu mà vì đó tôi đã được dựng nên, nhìn lên thánh giá - nơi thế gian bị xét xử. Sau cùng, tôi vẫn phải hành động với những phương tiện của nhân loại, nhưng chỉ hành động sau khi đã làm công việc quyết tuyển, nghĩa là sau khi đã quyết định và đã chọn phương thế  duy nhất đưa tôi tới mục tiêu mà vì đó tôi đã được dựng nên cũng như được tuyển chọn, tức là làm người cộng tác với Đức Kitô trong công cuộc cứu độ thế giới.

 

III. - Ý Nghĩa Của Các Phương Thế

 

Việc cầu nguyện theo thánh I-nhã dựa trên hai thái độ - giữa hai thái độ ấy ta nhận được ân sủng của Thiên Chúa trong đời ta: đó là chiêm ngắm và hồi tâm.

1.  Chiêm ngắm là nhìn lên Đức Kitô dựa vào Tin Mừng. Mục đích của việc này là giúp lôi ta ra khỏi trung tâm, là làm cho ta bước ra khỏi con người mình. Tôi chiêm ngắm có nghĩa là tôi nhìn Đức Kitô đang sống và đang hoạt động trong thế giới, rồi để được lay động, cảm kích, tôi đem cuộc sống của tôi đối chiếu với những gì Chúa Giê-su đã sống. Thế là cái nhìn của tôi về thế giới được biến đổi, phán đoán của tôi được điều chỉnh lại và tôi được dẫn tới hành động. Muốn chiêm ngắm, cần có một khoảng thời gian để mình được thấm nhiễm cách nhìn, phê phán và hành động của Đức Kitô, và để cách nhìn, phê phán và hành động của mình được liên kết vào đó. Tuy  nhiên, có nhiều thời giờ hay có ít, điều ấy không quan trọng. Hãy nhớ lời thánh I-nhã: Một người đã hãm mình thật sự chỉ cần chừng một khắc đồng hồ là có thể kết hợp với Chúa trong cầu nguyện. Điều quan trọng là phải khát khao ra khỏi con người mình, đặt mình vào lại trong trạng thái sẵn sàng tiếp nhận, giải phóng mọi năng lực của mình để sẵn sàng hành động như thể mọi sự tùy thuộc ta. Một khi đã sẵn sàng như thế, tôi có thể bắt đầu một ngày sống với bao công việc, bao tiếp xúc, bao suy nghĩ ... cùng với những thành công và thất bại tương đối.

2.  Hồi Tâm: tối đến, tôi nhìn lại cả ngày đã trôi qua, đây quả là lúc cần thiết. Không phải tôi sẽ tổng kết những thành công và thất bại, nhưng tìm cách nhận ra Chúa đã hiện diện và hoạt động thế nào trong các sự việc đã xảy ra đó. Quả thế, tôi đã hành động như thể mọi sự đều tùy thuộc mình, và tôi đã huy động mọi phương tiện dù không biết, chính vì thế, Chúa có đó mà tôi không hay biết. Khi ôn lại ngày sống, tôi mới thấy rõ hơn chính Chúa đã làm tất cả như thể tôi chẳng có gì để làm, mỗi khi tôi cảm thấy được an ủi vì những thành công. Có thấy tất cả sự tương đối ấy, tôi mới trao lại tất cả thành công cho Chúa để Người cho nó có được chiều kích của Thiên Chúa. Cũng vậy, khi nhìn lại những thất bại của mình, tôi nhìn nhận mình đã hành động vì bất cẩn, tự ái, muốn tỏ uy quyền, v.v... Nhưng tin tưởng vào sự tha thứ của Người, tôi cũng tha cho tất cả những người đã có phần trách nhiệm trong sự thất bại của tôi; tôi xin trao lại tất cả cho Người để mai lại lên đường. Tôi cứ sống ngày này qua ngày khác như thế, không co quắp lại cũng chẳng tự kiêu tự phụ kiêu căng và cũng chẳng thất vọng bao giờ.

Chiêm ngắm và hồi tâm đúng là hai thái độ trong việc cầu nguyện của người tông đồ. Nhờ hai thái độ này, đời sống và hoạt động của người tông đồ được ghép chặt vào Chúa Kitô � nguồn đem lại mọi năng lực cho người tông đồ.