|
Abstract
In Ignatian
spirituality, service is grounded in the direct religious experience
of God's love. The way to choose a particular service is also based on
individual and community religious experiences. This discernment
method takes into account my experience and understanding of the world
today, as well as guidance from Scriptures and the church. One
particular service highlighted by all three components - Scriptures,
church's teaching, and our world today - is justice. Vietnamese
refugees are called in a particular way to serve justice, which is the
foundation for peace in the world.
Có khi chúng ta
hăng say phục vụ, đẻ ra đủ chuyện lý tưởng và hào hứng làm việc với
nhau. Nhưng chắc các bạn cũng từng có những lúc chán nản và muốn đặt
lại đủ thứ vấn đề: không biết làm những chuyện đó để làm gì, không
biết có ích lợi gì cho ai chăng, không biết có phải mình theo tiếng
Chúa gọi để phục vụ tha nhân hay đó chỉ là ý riêng? Hơn nữa, phục vụ
có trăm đường mà thời giờ, sức lực tôi giới hạn, tôi biết chọn làm gì
và bỏ gì? Tôi biết Chúa đầy quyền phép thì tại sao tôi không để mọi
chuyện thế gian này cho Chúa, còn tôi chỉ lo giữ mình trong sạch để
nếu chết thì lên thẳng thiên đàng, chứ còn phục vụ nhiều khi còn sanh
thêm xích mích, lôi thôi, phật lòng Chúa chăng. Tại sao tôi cần phục
vụ trong lối sống Đồng Hành?
Phục vụ không đòi
lý thuyết, nhưng một ít tư tưởng giúp chúng ta vững tâm phục vụ, và
cũng giúp chúng ta chọn việc nào để phục vụ. Đó là hai điểm chính của
bài này. Tôi cũng xin chia sẻ một vài lầm lỡ của chính mình trong hai
vấn đề này để chúng ta rút kinh nghiệm.
Tại Sao Phục Vụ?
Bước đầu tiên
trong cuộc sống đồng hành với Chúa Kitô là cảm nhận tình thương của
Ngài. Ngài thương chúng ta ngay cả khi chúng ta tội lỗi. Chính tôi đã
đi trật bước đầu này một thời gian khá lâu. Tôi cứ nghĩ mình phải
trong sạch, đàng hoàng đã thì mới tới với Chúa được. Dựa vào sức mình
thay vì lòng thương của Chúa, tôi cứ té hoài, rồi chán ghét chính mình,
và càng giữ khoảng cách với Chúa. Hình như chính thánh Phêrô cũng đã
từng xin Chúa giữ khoảng cách vì thánh nhân thấy ngài bất xứng.
Khi say tình
thương vô điều kiện của Chúa rồi, chúng ta muốn theo Chúa và bắt chước
Ngài. Điều chính mà Ngài mời gọi chúng ta theo chính là thương yêu
người khác vô điều kiện như Ngài đã thương yêu chúng ta, và xây dựng
một thế giới yêu thương.
Nếu thế giới này
chỉ là nơi tạm bợ và xấu xa, thì tôi dại gì phí công xây dựng nó? Qua
chương trình Thao Luyện Đơn Giản mà cha Hùng đang hướng dẫn, tôi học
được rằng chính Chúa quan tâm tới thế giới này và liên tục làm việc
trong đó: “Ngài chia sẻ tất cả: trao ban quà tặng, hiện diện trong
những món quà đã trao, hoạt động qua những món quà, và cho đi chính
Ngài trong đó. Thiên Chúa chia sẻ sinh khí của Ngài trong mọi sinh
vật trên thế gian này.” (Choosing Christ in the World; chị Mộng Hằng
chuyển ngữ).
Cách Chúa thương
là bằng hành động: “Chúa yêu bằng việc làm, chứ không phải chỉ bằng tư
tưởng hay thái độ. Ngài chia sẻ tất cả... Chúa kêu mời bạn yêu những
người Chúa đã gửi đến cho bạn để bạn yêu họ như chính Ngài yêu. Điều
bạn làm (chứ không phải chỉ là tư tưởng hay cảm xúc) là tình thương
của bạn. Và tất cả những gì bạn làm cho người khác trở thành những quà
tặng. Trong mỗi món quà, bạn muốn chia sẻ chính bản thân bạn. Tình yêu
đó không những quý báu mà còn huy hoàng nữa.” (Choosing Christ).
Chọn Việc Tông Đồ
Nào?
Tôi còn bị lúng
túng nhiều với câu hỏi này và còn đang tìm tòi. Tôi xin chia sẻ một
vài ý tưởng và xin các bạn góp ý. Một cách nào đó thì câu trả lời khá
đơn sơ. Trở lại với kinh nghiệm tiên khởi và căn bản là con người tội
lỗi của tôi được Chúa yêu vô điều kiện và hoàn toàn, và tôi cũng muốn
bắt chước Chúa và cộng tác với Chúa trong cách yêu vô điều kiện và
phục vụ hết lòng. Việc nào yêu nhiều hơn thì chắc là đúng đường hơn.
Tuy nhiên vẫn còn
cả ngàn việc, mà một hai việc tôi làm cũng không xuể! Yêu thương ngay
chính vợ con tôi cũng đã khó rồi. Biết vợ vất vả cả ngày rồi nên khi
về tôi biết là mình cũng có thể thực hiện tình yêu một cách cụ thể
bằng cách giúp việc lặt vặt trong nhà, nhưng tôi vừa mệt, vừa thích
làm chuyện khác như viết bài cho báo (!), nên cũng không giúp vợ đủ.
Ngó lên tin tức, tôi thấy bao nhiên người chết vì động đất bên Ấn Độ,
tôi cũng có thể đóng góp và cổ động người khác đóng góp. Tôi có nên bỏ
những việc khác để giúp cho nạn nhân bên Ấn không?
Cách tôi chọn
việc là nhìn vào Chúa Kitô trong Phúc Âm và đồng thời coi lại con
người đặc thù của mình để kiếm một đường mà Chúa gọi đích danh tôi chứ
không phải ai khác. Một hình ảnh đánh động tôi nhiều là người đàn bà
Samarita bên bờ giếng. Bà ta biết thân phận mình tội lỗi và xui xẻo,
nên ra giếng nước vào giờ các phụ nữ khác không ra đó, để tránh họ, để
khỏi ai soi mói vào cuộc đời mình. Tuy nhiên, sau khi biết Chúa Kitô
rồi, thì bà ta mang chính cuộc đời của bà ta làm khí cụ truyền bá Phúc
Âm: bà con ơi, ra mà xem người mà biết hết chuyện của tôi mà vẫn yêu
thương tôi, cho tôi nước hằng sống.
Tôi thấy mình
giống người đàn bà đó. Như tôi đã chia sẻ ở trên, tôi cũng đã từng
tránh mọi người cho đỡ phiền, và tránh Chúa vì tôi không xứng. Rồi
Chúa tới với tôi, gạ chuyện, và kiên nhẫn dạy cho tôi biết Ngài ở ngay
kề tôi, và Ngài thương tôi dù tôi tội lỗi. Như bà kia, tôi không kêu
lên là “hãy thánh thiện như tôi để được gần Chúa,” nhưng là “bạn ơi
hãy can đảm đón nhận Ngài chính khi bạn còn bất toàn, vì tội lỗi như
tôi mà Ngài vẫn thương vô bờ.”
Chưa hết, còn vài
yếu tố nữa trong tiến trình chọn việc. Tại sao Chúa sinh tôi vào thế
giới hiện tại này, mà không phải là một ngàn năm trước hay một trăm
năm sau? Thế giới hiện tại có đặc tính gì? Một đặc tính của thế giới
hôm nay là Chúa có vẻ xa xôi quá! Dường như Ngài là thợ đồng hồ, một
khi làm xong rồi thì để tự nó chạy mà không cần làm gì với nó nữa (lại
một ý nữa tôi học trong Thao Luyện Đơn Giản.) Nói tắt, thế giới này
khá vô thần. Trong thế giới này, chia sẻ kinh nghiệm tôi khó khăn thế
nào khi tránh Chúa, và nhẹ nhàng khi chấp nhận Chúa ngay cả khi tôi
không đáng được Chúa chấp nhận, là một công việc quan trọng không kém
gì cứu trợ nạn nhân động đất.
Tị nạn là một đặc
tính của nhiều người trong chúng ta, kể cả tôi. Chúng ta sống trong
một nước với nhiều quyền lợi, nhưng cũng còn liên lạc với một thế giới
còn nhiều khó khăn. Một hình ảnh chính của Thiên Chúa trong Cựu Ước là
Đấng Công Bình. Chúa Kitô tiếp tục truyền thống đó. Trong thế giới đại
đồng hôm nay, công bình là nền tảng của tình thương và hòa bình. Vì
vậy Tòa Thánh mới nhấn mạnh tới Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình và nâng Đức
Cha Nguyễn Văn Thuận lên chức Hồng Y. Đức Cha Thuận mang kinh nghiệm
của chính cuộc đời ngài vào để phục vụ Hội Thánh trong chức vụ chủ
tịch ủy ban này. Mặc dù không chính thức nằm trong ủy ban này, mọi
giáo dân ngày nay đều có nhiệm vụ tranh đấu cho công lý. Có lẽ Chúa
gọi những người tị nạn chúng ta đóng một vai trò đáng kể trong việc
xây dựng công lý trong thế giới hôm nay.
Nhận Định Ơn Gọi
Tông Đồ
Đồng Hành có ba
đặc tính: cảm nhận Chúa, nhận định, và phục vụ. Cả ba liên hệ mật
thiết. Cảm nhận Chúa là nền tảng và động cơ trong việc tông đồ. Nhận
định cũng đóng một vai trò thiết yếu. Chúng ta đã đi qua hai bước đầu
của nhận định việc tông đồ: một là tại sao mình phục vụ, hai là chọn
việc nào để làm. Nhận định của thánh I-Nhã còn cẩn thận hơn và còn ít
nhất là hai phần nữa: nhận định qua cộng đoàn, và kinh nghiệm xác tín
(confirmation).
Qua bước ở trên,
tôi muốn chia sẻ với mọi người là Chúa nhân lành, cứ việc tới với Ngài.
Tuy nhiên tôi không thể nói điều này trong bài giảng ngày Chúa Nhật,
vì cộng đoàn không mời tôi vào chức vụ này. Tôi cần làm việc với dân
Chúa. Tôi xin học và phụ với cha Hùng trong chương trình Thao Luyện
Đơn Giản, và ngài chấp nhận. Tôi phụ ngài và chị Mộng Hằng giúp một ít
người. Những người này chấp nhận, và Chúa có vẻ cho công việc có hoa
trái. Như vậy một phần nào đó cộng đoàn đã giúp tôi nhận định và mời
gọi tôi theo tiếng Chúa kêu.
Một confirmation
nữa là cuộc sống dài hạn của chính tôi và những người thân. Dù gặp một
số khó khăn (thí dụ như cần nuôi gia đình mà việc này, cũng như hầu
hết việc các anh chị em trong Đồng Hành làm, lại không lương; và thiếu
huấn luyện, phải mất nhiều công trình học hỏi), nhưng cách chung Chúa
ban niềm vui cho gia đình.
Tôi cũng đã từng
sai lầm lớn vì không để ý đến cuộc sống của chính mình khi chọn việc
tông đồ, và không chừng nhiều anh chị em cũng đã mắc phải sai lầm này:
ôm đồm quá, trên khả năng Chúa cho và ơn Chúa gọi. Cứu thế gian này
không phải là việc của tôi, mà là của Chúa, tôi không cần và không nên
gánh thay Ngài. Tôi làm việc vì tôi theo Chúa, chứ không phải vì kết
quả. Chúa cho hoa trái thế nào thì tùy Chúa. Khi tôi ôm đồm quá sức,
có lẽ tôi quá lo tới kết quả và không tin tưởng vào Chúa đủ chăng, như
Maisen quật vào hòn đá vài lần thay vì chỉ một lần để có nước.
|
|