Chúa Nhật 2 Thường Niên
Bài Đọc I:
Isaiah 62:1-5
II:
1Cor 12:4-11
Phúc Âm
Gioan 2:1-12
1 Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu.
2 Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự.
3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi".
4 Đức Giêsu đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến".
5 Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo".
6 Ở đó có đặt sáu chum bằng đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Dothái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.
7 Đức Giêsu bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi!" Và họ đổ đầy tới miệng.
8 Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc". Họ liền đem cho ông.
9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại
10 và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ".
11 Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.
12 Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Caphácnaum và ở lại đó ít ngày.
Chi Tiết Hay
- Phúc Âm Thánh Gioan, một cuốn sách về các dấu lạ; có thể được xem như sách Sáng Thế của Kitô giáo. Phép lạ ở Cana là "dấu lạ" đầu tiên của Đức Giêsu giúp các môn đệ tin vào Ngài là Đấng Mêsia (c.11).
- Đức Giêsu thay thế phong tục thanh tẩy của người Do Thái (c.6), một nghi thức cũ , bằng rượu, tượng trưng cho đạo lý mới. Rượu chính là lời giảng dạy và sự khôn ngoan của Ngài (Cách Ngôn 9:1-5).
- (c.1) "Ngày thứ ba" ám chỉ xa đến biến cố phục sinh, lúc Đức Giêsu sống lại vinh quang từ cõi chết. Vào ngày thứ ba của cuộc đời công khai (hai ngày sau khi gọi các môn đệ đầu tiên), Đức Giêsu tỏ bày vinh quang của Ngài qua phép lạ biến nước thành rượu.
- Phép lạ đầu tiên này xảy đến trước lễ Vượt Qua (c.13). Hai năm sau đó, cũng chính trong dịp lễ này Đức Giêsu lại biến rượu thành chính máu cực thánh của Ngài.
- Trong Do Thái giáo, tiệc cưới cũng tượng trưng cho sự hàn gắn những vết thương trong mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân tộc được tuyển chọn của Ngài. (Isaia 62:4-5)
- Chữ "bà" ở đây mang một âm điệu trang trọng, một lối nói nghi thức. Khi bị đóng đinh trên thập giá, Đức Giêsu đã lại dùng chính danh từ này một cách âu yếm và kính trọng khi nói với Đức Mẹ (Gn 19:26).
- Khi gọi mẹ mình bằng "bà", Đức Giêsu có thể đã muốn xác định Đức Mẹ là một Evà mới, là mẹ của tất cả các môn đệ của Ngài thay cho Evà cũ là "mẹ các sinh linh" (Khởi Nguyên 3:20). Như thế chúng ta có thể so sánh hai hình an?h của một Evà cũ đưa đẩy Adong đến việc phạm tội đầu tiên (KN 3:6) với hình ảnh một Evà mới dẫn đưa Adong mới, là Đức Giêsu, tỏ bày vinh quang của Ngài trong phép lạ đầu tiên này.
- "Giờ" là một danh từ quan trọng trong Phúc Âm Gioan, là thời điểm của sự phán xét, của tối tăm, của sự chết, của sự vâng lời tuyệt đối và của sự sống lại khải hoàn (Gn 5:28, 7:30, 12:23, 13:1, 17:1). Câu 4 cho thấy trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu, trước khi giờ của Ngài đến, mọi việc Ngài làm là hoàn toàn theo ý của Đức Chúa Cha.
Một Điểm Chính
Việc biến đổi nước của Cựu Ước thành rượu cứu chuộc đánh dấu sự chuyển tiếp từ cũ sang mới. Đức Giêsu khởi sự thời điểm cứu chuộc nhân loại.
Suy Niệm
- Bạn hiện diện ở đó khi Mẹ Maria đến với Đức Giêsu để xin giúp đỡ. Qua sự việc đó bạn cảm nhận gì về tính tình của Mẹ? Bạn học được điều gì từ gương Mẹ?
- Bạn có nghĩ là Đức Giêsu đã tỏ ra khó chịu với mẹ mình chăng? Bạn có nghĩ rằng bạn hiểu Ngài chăng?
- Có khi nào trong cuộc sống bạn cảm thấy mình cạn hết "rượu" chăng? Những lúc đó Đức Giêsu lại đổ đầy cho bạn như thế nào?
Xin bổ túc thêm hoặc
Xem phần bổ túc tuần này
Đại Gia Đình Đồng Hành hợp soạn