Chúa Nhật 2 Mùa Vọng
7 Tháng 12, 2003
Bài Đọc I: Bar 5:1-9
II: Phil 1:4-6,8-11
Phúc Âm
Luca 3:1-6
1
Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhonít, Lyxania làm tiểu vương miền Abilên,
2 Khanna và Caiphai làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa.
3 Ông liền đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng kêu gọi người ta chiỉu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội,
4 như có lời chép trong sách sứ Isaia rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
5 Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.
6 Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Chi Tiết Hay
Năm thứ 15 dưới triều hoàng đế Tibêriô là vào khoảng năm thứ 28.
Cách Luca kể lại sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả làm ta liên tưởng đến các tiên tri trong Cựu Ước. Khi liên kết biến cố này với lịch sử đời và đạo của Do Thái, Luca vẽ một bức tranh có vẻ ảm đạm: Một số trong những lãnh tụ được kể ra sẽ có liên hệ trực tiếp đến cái chết của Đức Kitô. Tin mừng đã được loan báo cho một thế giới thật u tối.
Luca nhắc đến tên của hai vị thày cả thượng thẩm, Khanna và Caipha, những nhân vật đầy thế lực trong Do Thái Giáo. Tuy thế, việc dùng tên của hai nhân vật này còn có ý nghiã sâu xa hơn. Khanna tại vị khi Đức Giêsu giáng sinh, Caipha nắm quyền khi Đức Giêsu bị xử án. Luca đã nhắc đến cả cuộc đời Đấng Cứu Thế khi đề cập đến tên hai nhân vật này.
Luca bắt đầu, một cách gián tiếp nhắc đến La Mã, trung tâm quyền lực của thế giới. Và rồi câu truyện khởi đi từ Giuđea đến Galilêa, rồi Syria, tiếp đến là vùng bắc Damascus. Qua mỗi địa danh chúng ta đi dần lên hướng bắc, vùng đất của dân ngoại: Luca thực sự đang vẽ cho ta thấy lộ trình mà tin mừng sẽ được rao giảng, chặng cuối cùng chính là thủ đô La Mã.
Mặc dù phép rửa cần phải có nước, nhưng việc lựa chọn sông Giođan không phải chỉ vì thế mà thôi. Phải chăng phép rửa của Gioan ở đây có một liên hệ lịch sử với một giao ước xưa trước khi dân Do Thái băng qua sông Giođan để vào đất hứa?
Thời đó tại Palestine đã có những phong trào làm phép rửa do nhiều nhóm khác nhau. Mỗi nhóm có cách thức và ý nghĩa riêng. Phép rửa của Gioan, theo Luca, là "tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội". Gioan Tẩy Giả rất nổi tiếng. Ông đã làm cho nhiều người trở lại và có nhiều môn đệ.
So với Phúc Âm của Máccô và Matthêu, ta thấy Luca đã nhắc lại dài hơn lời tiên tri Isaia, có ý nhấn mạnh lời hứa mọi dân tộc sẽ được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Luca muốn nhắm đến các đọc giả của ông còn đang thuộc dân ngoại.
Một Điểm Chính
Gioan Tẩy Giả thúc giục mọi người đến nghe lời ông hãy từ bỏ nếp sống gian tà để quay về với Thiên Chúa .
Suy Niệm
Tại sao sa mạc lại quan trọng hơn các cung điện nơi các địa danh được nêu lên trong đoạn Kinh Thánh hôm nay? Đã có bao giờ có một "sa mạc" trong cuộc sống của tôi chăng?
Sống trong xã hội tân tiến ngày hôm nay, tôi phải từ bỏ những gì để quay trở về?
Chúng ta vừa giống vừa khác Gioan Tẩy Giả ở những điểm gì? Ai đã là những Gioan Tẩy Giả của tôi?
Xin bổ túc thêm hoặc Xem phần bổ túc tuần này
Đại Gia Đình Đồng Hành hợp soạn