Chúa Nhật 3 Mùa Vọng
Bài Đọc I:
Isaiah 61:1-2,10-11
II:
1Thessalonians 5:16-24
Phúc Âm
Gioan 1:6-8,19-28
6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan.
7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng
về ánh sáng.
19 Và đây là lời chứng của ông Gioan, khi người Do Thái từ
Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi
ông: "Ông là ai?"
20 Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: "Tôi không
phải là Đấng Kitô".
21 Họ lại hỏi ông: "Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông
Êlia không?" Ông nói: "Không phải." - "Ông có phải là vị ngôn
sứ chăng?" Ông đáp: "Không."
22 Họ liền nói với ông: "Thế ông là ai, để chúng tôi còn
trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì
về chính ông?"
23 Ông nói: "Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa
đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói.
24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisêu.
25 Họ hỏi ông: "Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không
phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ?"
26 Ông Gioan trả lời: "Tôi đây làm phép rửa trong nước.
Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.
27 Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho
Người."
28 Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan,
nơi ông Gioan làm phép rửa.
Chi Tiết Hay
- Tác giả đoạn Phúc Âm muốn nhấn mạnh việc Gioan Tẩy Giả xác
nhận ông chỉ là nhân chứng có thể là để đánh tan những
hiểu lầm vào thời đó về vai trò của Gioan.
- (c.6) Trong Phúc Âm này, Gioan Tẩy Giả được giới thiệu một
cách bất ngờ. Những chi tiết về ông như : mặc áo lông
lạc đà, thắt lưng dây da, ăn châu chấu chỉ được tìm thấy
trong Phúc Âm Nhất Lãm. Cũng trong Phúc Âm Thánh Gioan ta không
thấy dùng danh từ "Tẩy Giả".
- (c.8) Cuộc đời công khai của Đức Giêsu được khởi đầu
bằng sự làm chứng của Gioan Tẩy Giả cho Chiên Thiên Chúa;
cuộc đời đó sẽ chấm dứt với sự chứng kiến của "người
môn đệ thương mến" khi Chiên Thiên Chúa chết trên thập giá
vào chiều áp lễ Vượt Qua. Phúc Âm Thánh Gioan cho ta một
bức tranh ghép ba cảnh: ở giữa là Chiên Thiên Chúa, hai bên là
hai nhân chứng.
- (c.23) Các câu trả lời của Gioan hầu hết là để phủ nhận duy
chỉ có một câu để xác nhận; nhưng chính lời xác nhận đó
lại mang ý nghiã của một sự phủ nhận "Tôi là tiếng người
hộ..". Lời mở đầu Phúc Âm của Gioan tuyên xưng Đức Giêsu
là "Ngôi Lời" (1:1); trong khi Gioan Tẩy Giả chỉ là một "tiếng
hô". Gioan Tẩy giả lớn tiếng rao giảng nhưng chỉ là để
"sửa đường cho Đức Chúa đi"; chỉ có Đức Giêsu mới tuyên
bố rằng Ngài là "đường" (14:6).
- (c.27) Gioan Tẩy Giả phục vụ Thiên Chúa, mở đường cho Đức
Kitô và dẫn đưa nhiều người ăn năn hối cải chờ đón
Đấng Cứu Thế tuy nhiên ông vẫn không nhận mình xưng đáng
làm đầy tớ Đức Kitô, để cởi quai dép cho Ngài. Lời nói
tiêu cực này chuẩn bị để Đức Kitô tiết lộ một hình ảnh
đặc biệt của Ngài trong cuốn Phúc Âm thứ tư này: Trong
buổi Tiệc Ly, Đức Kitô thi hành nhiệm vụ của một người
đầy tớ khi cởi bỏ áo bên ngoài và qùy xuống rửa chân cho
các môn đệ (13:5).
Một Điểm Chính
Gioan Tẩy Giả là một nhân vật quan trọng - vì ông là người
được Thiên Chúa sai đến - nhưng dù quan trọng, ông cũng vẫn
chỉ đóng vai một nhân chứng.
Suy Niệm
- Có bao giờ bạn bị lầm tưởng là một người nào khác?
Tại sao Gioan bị tưởng lầm là Đức Giêsu?
- Ngày nay Đức Giêsu có còn là nhân vật mà thế gian vẫn
chưa nhận ra chăng? Làm cách nào để bạn giới thiệu Ngài?
Xin bổ túc thêm hoặc
Xem phần bổ túc tuần này
Đại Gia Đình Đồng Hành hợp soạn