Các bản dic.h Kinh Thánh
Trích sách "Responses to 101 Questions" của R.E. Brown câu 1-2
C. 1. Bản dịch Kinh Thánh nào tốt nhất?
Bản dịch thích hợp hay không còn tùy mục đích của việc đọc Kinh Thánh. Việc đọc nơi công cộng, chẳng hạn những bài đọc trong thánh lễ hoặc trong các giờ kinh nguyện chung, đòi hỏi sự trang trọng. Vì thế, dùng bản dịch quá bình dân thì sẽ không hợp. Trái lại, khi đọc riêng để suy niệm, hoặc cầu nguyện, thì nên dùng một bản dịch được trình bày đẹp mắt, lời văn dễ đọc, dễ hiểu. Ngoài ra, khi đọc để học hỏi, nghiên cứu, thì nên có một bản dịch sát từng chữ - một bản dịch vẫn còn giữ lại sự hàm hồ tối ý của bản gốc.
Có lẽ câu trả lời bao quát tốt nhất mà tôi có thể cúng hiến cho các bạn là nêu lên điểm này: Các bản gốc của Kinh thánh bằng tiếng Híp-ri, tiếng A-ram, hoặc tiếng Hi-lạp, có nhiều đoạn phức tạp khó hiểu, nhiều câu hàm hồ tối ý. Có khi tác giả viết không rõ ràng, và rồi dịch giả phải đoán ý. Vì thế, họ phải quyết định hoặc dịch sát từng chữ và giữ nguyên sự hàm hồ tối nghĩa, hoặc dịch tự dọ rộng rãi hơn và cố gắng làm sáng tỏ sự hàm hồ tối nghĩa đó. Bản dịch sát cần có những bài dẫn giải in kèm, hoặc có phần chú thích ở dưới chân các trang, trình bày những giải pháp hiện có cho các đoạn tối nghĩa. Mặt khác, trong bản dịch tự do, dịch giả đã tự định đoạt ý nghĩa cho những đoạn tối nghĩa. Xét theo một khía cạnh nào đó thì lời chú giải đã được khải triển sẵn trong mạch văn của bản dịch, và vì lý do này, bản dịch tự do đọc thì dễ, nhưng dùng để nghiên cứu thì khó.
C. 2. Vậy Cha giới thiệu bản dịch Kinh Thánh nào?
Vì câu trả lời cho câu 2 và 3 chỉ liên quan tới những bản dịch Kinh Thánh bằng Anh ngữ, nên cha Brown đã yêu cầu chúng tôi bổ túc phần các bản dịch tiếng Việt. Dựa trên một số chi tiết mà cha Nguyễn công Đoan, Dòng Tên, đã cung cấp, chúng tôi xin tạm bổ túc như sau.
Nói chung thì các bản Kinh thánh tiếng Việt có thể chia ra như sau:
- Bản dịch từ những ngôn ngữ thứ hai,
- Toàn bộ Kinh thánh dịch từ nguyên ngữ, và
- Tân Ước dịch Tân Ước từ nguyên ngữ Hy Lạp.
Những bản dịch từ các ngôn ngữ thứ hai
- Từ tiếng La tinh:
Cha Trần đức Huân đã dịch toàn bộ Kinh thánh từ bản La tinh Phổ thông: phần Tân Ước được xuất bản năm 1959 và Cựu Ước năm 1968. Xem ra bản này không còn thịnh hành lắm. Ngoài ra, bản Kinh thánh của Ủy Ban Phụng Vụ dịch trước năm 1975 cũng từ bản La tinh Phổ thông. Các bài đọc trong thánh lễ được trích từ bản này. Vì vội nên bản dịch này còn nhiều thiếu xót và không được xuất bản. Tuy nhiên, nhà xuất bản báo Trái Tim Đức Mẹ (Dòng Đồng công) đã gom góp những bài Phúc âm trong sách lễ, và cho xuất bản cuốn "Tin Mừng Chúa Giêsu" năm 1988. Bản này có lẽ sẽ được sửa và xuất bản vào năm 1996.
- Từ tiếng Pháp:
Bản "Kinh Thánh Tân Ước" của cố Hồng y Trịnh văn Căn, năm 1981. Bản này bình dân, dễ đọc. Đây là một công trình rất thiện chí nhưng giới hạn.
- Từ tiếng Trung Hoa:
Bản Tân Ước của Cha Trần văn Kiệm được xuất bản tại Hoa kỳ năm 1994. Bản dịch này phần lớn dựa theo một bản tiếng Trung hoa. Dĩ nhiên bản tiếng Trung hoa được dịch từ nguyên bản, và dịch giả đã tham khảo những bản dịch của các ngôn ngữ khác như bản New Jerusalem Bible và bản New American Bible của Anh ngữ.
Toàn bộ Kinh Thánh dịch từ các nguyên ngữ.
Bản dịch của Cha Nguyễn thế Thuấn, Dòng Chúa Cứu Thế, là bản duy nhất có cả Cựu Ước và Tân Ước dịch từ các nguyên ngữ Kinh thánh. Cha Thuấn đã làm việc trong hàng 20 năm trời, nhưng rất tiếc cha đã qua đời năm 1975, trước khi hoàn thành công trình này. Vì thế, ba sách Huấn ca, Giót và Ba-rúc, cộng thêm phần chú giải của ba sách đó, đã được dịch sau này, và toàn bộ Kinh thánh được in sau năm 1975. Nhìn chung, đây là một công trình khoa học uyên bác, rất có ích cho người nghiên cứu. Theo quan niệm phiên dịch cổ điển, bản này dịch bám sát từng chữ. Thêm vào đó, cha lại dùng nhiều từ Hán Việt nên câu văn tiếng Việt đôi khi khó hiểu. Ngoài ra, đây là công trình do một người làm, và vì thế, ưu điểm của nó là dễ thống nhất, tất nhiên khuyết điểm của nó là giới hạn khả năng của một người.
Các bản Tân Ước dịch từ tiếng Hi-lạp.
- Bản "Tin Mừng của Thiên Chúa Cha" của Cha An-sơn Vị, năm 1977. Bản dịch của cha Vị là một công trình cá nhân. Cha Vị không được đào tạo chuyên môn về Kinh thánh, nhưng có một vài trực giác hay, có thiện chí và chịu khó nghiên cứu. Rất tiếc, khi vận dụng các trực giác ấy quá mức thì câu tiếng Việt nhiều khi trở thành ngộ nghĩnh. Phần dẫn nhập và chú thích của bản này thì lấy từ bản TOB [Noveau Testament - Traduction Oecumenique de la Bible] và Bible de Jerusalem. Tổng hợp lại: đây là một công trình thiện chí hơn là khoa học.
- Bản dịch của nhóm "Các Giờ Kinh Phụng vụ", năm 1994. Đây là một công trình tập thể đầu tiên trong lãnh vực phiên dịch Kinh Thánh tại Việt nam. Ban làm việc gồm: một số chuyên viên Kinh thánh tốt nghiệp Thánh kinh Học viện (Rôma) và Ecole Biblique (Giêrusalem) hoặc tại Việt nam, một số chuyên viên về phụng vụ (học tại Pháp), và một số tốt nghiệp các trường thần học (Rôma). Phần chú thích được soạn để đáp ứng nhu cầu của các độc giả Việt nam, chưa có sách chú giải để tham khảo. Trong các bản dịch tiếng Việt, đây là bản dịch chính xác nhất hiện nay. Hy vọng phần Cựu Ước sẽ được xuất bản trong một ngày gần đây.
Sau đây là câu trả lời của cha Brown:
Trong những bản dịch sát của Anh ngữ , tôi thấy có 4, 5 dùng được. (Tôi thường dùng những bản dịch sát khi dạy học vì tôi muốn sinh viên của tôi biết đến những trắc trở của bản dịch.) Tôi xin được nhắc nhở các bạn một điều: Nhiều bản dịch có tầm mức đã được sửa lại cặn kẽ vào cuối thập niên 1980, hoặc đang được hiệu đính vào đầu thập niên 1990. Vì thế, mỗi người phải cẩn thận để mua cuốn hiệu đính mới nhất của bất cứ bản dịch Kinh Thánh nào.
Bản dịch mà tôi thường dùng nhất là The Revised Standard Version (Bản Tiêu Chuẩn Hiệu Đính). Mặc có nhiều khó khăn, nói chung thì bản này đọc được, cũng như được dịch sát chữ một cách cẩn thận. (Đây là bản hiệu đính của Bản King James, nhưng không may, thỉnh thoảng nó cũng bị xa vào một vài vết lầy của Bản King James.) Nó làm cho người Công Giáo hơi khó chịu vì việc sử dụng các chữ cổ để nói về Thiên Chúa (như Thou và Thee). Song điều này đã được sửa đổi trong bản mới, tức là The New Revised Standard Version (Bản Tiêu Chuẩn Bổ Túc Mới), xuất bản năm 1990. Nói chung thì người Tin Lành chính tông dùng bản này nhiều nhất, nhưng người Tin Lành bảo thủ thì vẫn còn ưa Bản King James.
Phần đông giáo dân Công Giáo tại Mỹ dùng bản The New American Bible (Bản Kinh Thánh Mới của Giáo hội Công giáo Hoa kỳ). Những bài đọc trong thánh lễ thường được trích từ đó. Phần Cựu Ước của bản này dịch rất hay, và nói chung thì khá hơn phần Cựu Ước của bản Revised Standard Version. Tuy nhiên, phần Tân Ước còn nhiều thiếu xót trầm trọng, và một trong những lý do là sau khi bản dịch rời khỏi tay những dịch giả đầu tiên thì đã bị sửa đổi nặng nề, đặc biệt bốn Phúc âm. Song việc sửa đổi này có phần hơi vụng về, chẳng hạn như thay chữ "reign" ["sự trị vì"] cho chữ "kingdom" ["nước" như "nước trời"]. Ngoài sự thiếu chính xác, phiên dịch như thế rõ ràng không hợp với những đoạn Phúc âm diễn tả một nơi (nước, vương quốc), thay vì một hành động (trị vì, cai trị). Thêm vào đó, sửa đổi như thế còn gây hiểu lầm vì Giáo dân Mỹ thường nghe "reign" ["trị vì"] ra chữ "rain" ["mưa"] (vì "reign-trị vì" và "rain-mưa" đều phiên âm là "rên", nhưng "reign-trị vì" thì không thông dụng). Tuy nhiên, vấn đề này đã không còn nữa vì phần Tân Ước trên vừa được dịch lại hoàn toàn vào cuối thập niên 1980; nó sẽ được ra mắt với quí vị trong các giờ phụng vụ vào đầu thập niên 1990.
Tại Anh quốc, tín hữu Công Giáo dùng bản The Jerusalem Bible (Kinh Thánh Giêrusalem) trong phụng vụ, và bản này có nhiều liên-ki-tô. Bản Giêrusalem đầu tiên của Anh ngữ có nhiều thiếu xót vì nó được dịch phần lớn theo bản Giêrusalem tiếng Pháp, và đôi khi dịch giả đã không tra khảo các nguyên bản cặn kẽ hơn. (Bản Giêrusalem tiếng Pháp thì chính xác hơn.) Tuy nhiên, nhận xét này đã lỗi thời vì bản Anh Ngữ trên vừa được sửa chữa kỹ càng trong thập niên 1980. Phần chú thích của bản Giêrusalem đầu tiên xem ra đã rất đầy đủ và giá trị, thế nhưng phần chú thích của bản Giêrusalem mới lại còn hoàn hảo hơn.